Những nguồn ý tưởng cho đề tài nghiên cứu

Ý tưởng đề tài nghiên cứu khoa họcĐể lựa chọn được một đề tài nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí phù hợp là một việc không đơn giản đối với nhiều nhóm nghiên cứu. Ngay cả đối với những người nghiên cứu chuyên nghiệp, ý tưởng nghiên cứu không đến với họ trong phút chốc. Vậy đâu là những “chất liệu” giúp bạn có những ý tưởng và chọn được một đề tài tiềm năng? Với những gợi ý trong bài viết này, hi vọng các bạn sinh viên lần đầu tham gia hoạt động nghiên cứu sẽ biết được điểm mấu chốt và bắt đầu một hành trình chủ động hơn.

Về cơ bản, nghiên cứu khoa học là việc trả lời một hoặc một vài câu hỏi nghiên cứu bằng cách sử dụng phương pháp khoa học và bằng chứng khoa học. Mỗi công trình nghiên cứu sẽ chỉ tập trung vào một chủ đề nhất định (không quá rộng), do đó đòi hỏi người nghiên cứu cần đào rất sâu về mặt nội dung. Điều này cũng dễ hiểu tại sao sau khi hoàn thành một nghiên cứu, tác giả sẽ có những hiểu biết rất rõ và tự tin về đề tài mình đã thực hiện.

Đọc tới đây, có lẽ bạn biết dù có hàng nghìn vấn đề cần nghiên cứu, nhưng yếu tố khiến người nghiên cứu lựa chọn một đề tài là sự quan tâm đến nó. Vấn đề đặt ra là đâu phải ai cũng đã biết sự hứng thú, quan tâm của mình để lựa chọn đề tài? Đó chính là lí do chúng ta cần phải khám phá, đọc và nghiên cứu nhiều hơn để có những hiểu biết nền về các mảng nghiên cứu có thể tiềm năng và phù hợp với chúng ta. Đừng nghĩ rằng những người nghiên cứu luôn có trong mình rất nhiều ý tưởng để nghiên cứu; họ cũng phải dành thời gian để tìm hiểu và tích lũy những “chất liệu nền” về những mảng nghiên cứu để có những ý tưởng nghiên cứu mới.

Do đó, nếu thấy những người bạn của mình đã có ý tưởng nghiên cứu mà mình thì chưa thì bạn đừng vội buồn. Có thể họ “may mắn” hơn một chút hoặc đã dành thời gian “đi trước bạn” để đọc, tìm hiểu, nghiên cứu trước khi lựa chọn được một đề tài đó. Biết được điểm mấu chốt này, hi vọng bạn sẽ không còn ngồi vò đầu bứt tai mà vẫn than không có ý tưởng. Hãy bắt tay vào hành động nhé, rồi chúng mình cũng sẽ tìm ra thôi!

Phần cuối của bài viết này chính là những gợi ý giúp bạn có những ý tưởng nghiên cứu. Tuy nhiên đây mới chỉ là những “điểm chạm” ban đầu, bạn cần dành thời gian thực sự để tìm xem đâu là sự quan tâm và hứng thú thực sự của mình nhé!

1. Những vấn đề chợt lóe ra ngay trong đầu bạn

Có lẽ với nhiều sinh viên, đây được xem là nguồn ý tưởng “không mời mà đến”, nhưng thực tế chúng đã đến vì bạn đã có những định hình và quan tâm nhất định đến chúng. Đó có thể là sự tò mò hay quan tâm của bạn về một vấn đề đã từng đi ngang qua bạn nhưng bạn vẫn còn đang bỏ ngỏ, cũng có thể là sự hiếu kì của bạn đối với một chủ đề mà giảng viên có dịp “chia sẻ ngắn” trong một lớp môn học, hay là một vấn đề mà bạn mới được tiếp nhận thông qua các kênh nhận thông tin như tivi hay đài báo, …

Dễ thấy điểm chung của những ý tưởng này là bạn đã biết “một chút” gì về chúng và chúng gây ấn tượng với bạn, khiến bạn quan tâm, tò mò hay muốn tìm hiểu thêm. Vậy nếu bạn chưa biết “một chút gì” về bất kì vấn đề gì thì sao nhỉ? Câu trả lời rất đơn giản, hãy bắt đầu tìm hiểu về mảng vấn đề/lĩnh vực mà bạn “có vẻ quan tâm” và đọc tiếp các nguồn gợi ý phía dưới nhé!

2. Những vấn đề đang “nóng” và được quan tâm

Nghiên cứu luôn gắn liền với thực tế, vậy tại sao mình không thử tìm hiểu về những vấn đề nóng được quan tâm? Ví dụ, trong tương lai một hiệp định kinh tế quan trọng sắp được kí kết, thì chúng có thể mang đến tác động như thế nào cho các quốc gia liên quan và chịu ảnh hưởng? Trong trường hợp này, các đề tài liên quan đến đánh giá tác động hiệp định sẽ rất được quan tâm.

Tùy vào từng thời điểm và từng lĩnh vực, sẽ có những vấn đề được xã hội quan tâm và thường đó cũng chính là chủ đề được nhiều nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa chỉ sau một thời gian, chủ đề này có thể “bớt nóng” sau khi những nghiên cứu chất lượng đầu tiên được công bố. Nói như vậy để bạn hiểu rằng việc nghiên cứu các vấn đề nóng cần được lựa chọn đúng thời điểm, nếu chúng ta lựa chọn một chủ đề đã có quá nhiều người nghiên cứu trước đó mà không đưa ra được nhiều phát hiện mới thì đó là một điều không nên.

Có thể bạn chưa biết: “Research cũng có trend”

Nếu bạn lựa chọn theo hướng này, hãy thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất trong lĩnh vực mà bạn quan tâm, hoặc tham khảo gợi ý từ các giảng viên, nghiên cứu viên – những người cập nhật được các chủ đề nghiên cứu đang được quan tâm trong ngành. Tuy nhiên, việc chạy theo các chủ đề nóng chưa bao giờ là sự lựa chọn duy nhất vì xoay quanh chúng ta vẫn có rất nhiều đề tài hay mà chưa được khai thác. Đó chính là nội dung được chia sẻ trong phần thứ 3 dưới đây.

3. Những đề tài chưa từng được nghiên cứu tại Việt Nam hoặc đã được nghiên cứu tại Việt Nam với số lượng hạn chế

Phải nói rằng Việt Nam chưa phải là quốc gia có thứ hạng cao trong nghiên cứu khoa học trên bản đồ thế giới, do đó có rất nhiều đề tài hay vẫn chưa được thực hiện với trường hợp của Việt Nam hoặc thực hiện với số lượng rất hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu những đề tài đã được thực hiện ở nước khác nhưng chưa được thực hiện tại Việt Nam/nghiên cứu đề tài đã từng được thực hiện nhưng vẫn còn khả năng khai thác thêm nữa sẽ là một hướng đi khác dành cho các sinh viên mới bắt đầu nghiên cứu khoa học.

Để có thể theo hướng này, bạn nên chuẩn bị Tiếng Anh thật tốt (đặc biệt là kĩ năng đọc và từ vựng) bởi bạn sẽ phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu nước ngoài (do chưa có hoặc có ít nghiên cứu được thực hiện bằng Tiếng Việt). Điều này cho thấy rõ ràng ngoại ngữ tốt là yếu tố quan trọng giúp những người nghiên cứu “cạnh tranh” hơn. Thực tế, dù thực hiện đề tài nào, người nghiên cứu cũng phải đọc và tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan trước đó, và trong đó chắc chắn phải có các nghiên cứu do các tác giả nước ngoài thực hiện (do các học giả nước ngoài thường dẫn dắt và khai phá các hướng nghiên cứu mới). Vì vậy, việc rèn luyện khả năng Tiếng Anh nên được chú ý càng sớm càng tốt.

4. Những đề tài mà giảng viên hướng dẫn của bạn đang thực hiện

Bên cạnh hoạt động giảng dạy, mỗi giảng viên đều thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và có hướng nghiên cứu nhất định. Do đó, một nguồn đề tài tiếp theo cho sinh viên chính là nghiên cứu đề tài cùng giảng viên hướng dẫn bằng cách hỗ trợ thầy/cô nghiên cứu đề tài đó. Khi thực hiện theo hình thức này, sinh viên hoàn toàn có thể trích xuất một phần nội dung nghiên cứu trong đề tài lớn đó để viết báo cáo nghiên cứu khoa học của mình. Ngoài ra, sinh viên cũng có những cơ hội nhất định nếu giảng viên đầu tư cho nghiên cứu để công bố kết quả trên các tạp chí khoa học.

Không dừng lại ở tạp chí khoa học trong nước, công trình nghiên cứu tốt còn có thể đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới

Tuy nhiên như đã nói ở trên, do mỗi giảng viên có hướng nghiên cứu nhất định, vì vậy sinh viên cần cân nhắc xem mình có thực sự thích thú với đề tài mà giảng viên đang thực hiện hay không bởi đây là yếu tố rất quan trọng. Đặc biệt, một khi bạn đã được thầy/cô đồng ý cho hỗ trợ nghiên cứu hoặc nghiên cứu cùng thì sẽ rất ngại nếu xin dừng lại giữa chừng. Có thể thấy nếu làm nghiên cứu cùng giảng viên thì bạn sẽ không mất quá nhiều sức trong giai đoạn tìm ý tưởng đề tài nhưng một sự cân nhắc kĩ là rất cần thiết.

Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến tính cách và những kì vọng từ giảng viên hướng dẫn của mình. Dù mỗi thầy cô đang thực hiện một đề tài nào đó, nhưng không phải thầy cô nào cũng đồng ý để sinh viên hỗ trợ/nghiên cứu cùng mình ngay. Không ít thầy/cô đánh giá rất cao sự chủ động của sinh viên trong việc tự tìm đề tài và trình bày ý tưởng hơn là xin hỗ trợ thầy/cô nghiên cứu ngay. Do đó, hãy chú ý điều này để tạo ấn tượng ban đầu tốt nhất với giảng viên hướng dẫn của mình bạn nhé!

Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có những gợi ý để sớm tìm ra đề tài mà mình quan tâm và muốn thực hiện. Đừng quên rằng nghiên cứu khoa học cũng như bao việc khác, chỉ khi bạn thực sự bắt tay vào hành động (đọc, tìm tòi, nghiên cứu, phân tích, …) bạn mới gặt hái những trải nghiệm và thành quả của hành trình này. Hãy thật chủ động để bắt đầu sớm, chủ động trong làm việc nhóm cũng như tương tác với thầy cô. Cộng đồng RCES chúc bạn một mùa nghiên cứu thành công!

>> Xem thêm loạt bài đặc biệt: “Cùng UEBer đi tìm đề tài nghiên cứu” tại đây.

>> Khởi động dự án I Research:

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)