Những câu hỏi của sinh viên mới bắt đầu đến với hoạt động NCKH (Phần 2)

Tiếp nối phần 1, hãy cùng xem trong số các câu hỏi dưới đây, đâu là câu hỏi bạn quan tâm nhé!

faq_small1. Làm thế nào để tìm ra được đề tài nghiên cứu?

Để tìm được đề tài nghiên cứu, sinh viên cần phải biết cách giới hạn phạm vi và thu hẹp đề tài; từ đó có thể lựa chọn được 1 vấn đề phù hợp và trong khả năng có thể thực hiện được. Hầu hết sinh viên mới bắt đầu tham gia NCKH không biết cách để thu hẹp đề tài và lựa chọn đề tài tối ưu, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ giảng viên hướng dẫn ở thời điểm đầu. Bên cạnh đó, việc chọn được 1 đề tài có tính mới và là xu hướng nghiên cứu cũng là một điều sinh viên nên chú ý, bởi với những đề tài này sẽ có tính mới và tính thực tiễn cao, vì thế công trình nghiên cứu sẽ được đánh giá cao hơn. Để có thể hiểu tìm hiểu rõ hơn bạn có thể tham khảo tại Số đặc biệt 01: Cùng UEBer đi tìm đề tài nghiên cứu nhé.

2. Nên chọn nhóm và chọn giảng viên hướng dẫn như thế nào?

Việc chọn nhóm thường đến rất ngẫu nhiên, tuy nhiên sẽ có một số tiêu chí phù hợp cho một người đồng hành trong hành trình NCKH cùng bạn. Đó phải là người có cùng sở thích về chủ đề nghiên cứu, có trách nhiệm và gắn bó cùng bạn trong suốt mùa nghiên cứu, hay là người có những ưu điểm để hỗ trợ cho những điểm bạn chưa tốt, … Khi tham gia NCKH, hầu hết sinh viên làm theo nhóm; chính vì vậy việc lựa chọn được một nguời bạn phù hợp cũng là điều rất cần thiết. Trong khi đó, để lựa chọn được giảng viên hướng dẫn phù hợp, việc lựa chọn được đề tài chính là yếu tố quyết định .Nếu bạn còn đang băn khoan những câu hỏi về nhóm nghiên cứu thì những bài viết trong số đặc biệt – “Làm việc cùng cộng sự nghiên cứu” có thể giúp bạn tham khảo đấy!

3. Nghiên cứu khoa học bắt đầu như thế nào và trải qua những giai đoạn nào?

Nghiên cứu khoa học bắt đầu bằng mong muốn của bạn khi muốn trả lời một câu hỏi nào đó, nhằm tìm ra những kết quả mới. Có nhiều cách chia các giai đoạn nghiên cứu khác nhau; tuy nhiên sẽ có một số bước cơ bản như tìm đề tài nghiên cứu; tổng quan tài liệu; xây dựng đề cương nghiên cứu; thu thập xử lí dữ liệu; viết công trình. Ở mỗi giai đoạn này, sinh viên lại cần lưu ý những điểm quan trọng khác nhau để có thể thực hiện công trình NCKH thành công và có chất lượng tốt. Mời bạn đón đọc bài viết Quy trình thực hiện nghiên cứu khoa học

4. Làm thế nào để giữ được tinh thần trong suốt mùa nghiên cứu?

Đây là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác và mỗi người làm nghiên cứu lại có thể có những câu trả lời khác nhau. Không có điều gì bỗng dưng tới với chúng ta mà không phải trải qua sự cố gắng. NCKH cũng như vậy, bạn và các thành viên trong nhóm sẽ phải cùng cố gắng, nỗ lực, động viên tinh thần cho nhau hay tìm những neo để giữ được tinh thần cho nhóm. Sẽ có những lúc nản lòng, nhưng chắc chắn giây phút bạn tìm ra một thứ mới có ý nghĩa và giây phút hoàn thành công trình NCKH, giây phút đứng trước các Hội đồng bảo vệ đề tài sẽ là những giây phút tuyệt vời dành cho những nhóm đi hết chặng đường thú vị này. Nếu muốn được nghe những trải nghiệm nghiên cứu thú vị từ chính các RCESer thì mời bạn đón đọc các bài viết trong chuyên mục·Câu chuyện nghiên cứu nhé !

Ngoài ra bạn có thể tham khảo Kinh nghiệm đăng ký đề tài NCKH tại cấp khoa tại bài viết này.

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)