Một bản báo cáo nghiên cứu nên có mấy chương?

Chương nghiên cứu“Một bản báo cáo nghiên cứu nên có mấy chương?” là câu hỏi được nhiều nhóm nghiên cứu đặt ra và đắn đo rất nhiều bởi kết quả câu trả lời có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc và logic của công trình nghiên cứu. Mặc dù việc thiết kế mục lục dự kiến cho công trình nghiên cứu đã được thực hiện ngay từ khi xây dựng đề cương chi tiết, tuy nhiên, trong giai đoạn viết và hiệu chỉnh công trình, việc điều chỉnh lại mục lục dự kiến là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu người nghiên cứu thấy sự thay đổi là cần thiết.

Sự thay đổi này có thể diễn ra bởi trong quá trình triển khai nghiên cứu, người nghiên cứu tiếp tục đọc và phân tích thêm các tài liệu khác hoặc thay có sự thay đổi về ý tưởng ban đầu viết ra trong đề cương nghiên cứu. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi đưa ra, điều quan trọng nhất vẫn là hiểu rất rõ về nội dung của công trình nghiên cứu thực hiện.

Trước đây, sinh viên chúng mình thường được nghe: “Một công trình nghiên cứu khoa học tiếng Việt nên có 3 chương”, đặc biệt, kết cấu 3 chương này rất phổ biến với dạng nghiên cứu mà có lẽ sinh viên nào cũng biết “Thực trạng – Nguyên nhân – Giải pháp”. Tuy nhiên nhận định này tới nay không còn chính xác bởi qua quá trình “hội nhập nghiên cứu”, việc lựa chọn số lượng chương là quyền của tác giả và không có quy định nào bắt buộc. Nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế có 4, 5, 6 hay 7 chương; nhiều luận án, luận văn do các học viên tại các trường đại học trên thế giới có thể có tới 8, 9 hay 10 chương chắc hẳn là điều không còn xa lạ nếu bạn từng đọc và tham khảo nhiều tài liệu nghiên cứu nước ngoài.

Việc thiết kế bố cục của các chương và các nội dung trong mục lục phụ thuộc vào nội dung của từng bài nghiên cứu và việc thiết kế này cũng phản ánh sự logic, khoa học của người nghiên cứu. Điều cốt yếu khi thiết kế bố cục và nội dung của bài nghiên cứu là làm thế nào để các nội dung liền mạch, logic và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, các nội dung được đề cập chương cơ sở lí luận phải là nền tảng để xây dựng mô hình cho chương 3 và sử dụng để giải thích kết quả ở chương 4; tức là các nội dung ở chương cơ sở lí luận đưa ra là có ý nghĩa và có liên kết với các nội dung khác trong bài; chứ không phải chỉ là “đưa ra” rồi đặt ở đó.

Các chương chính trong công trình nghiên cứu

Việc thiết kế bố cục bài nghiên cứu phản ánh sự logic khoa học của tác giả

Bản chất của việc thiết kế số lượng chương là việc đặt các nội dung nhỏ cùng chức năng vào một nội dung lớn; còn việc sắp xếp thứ tự chương là để nhìn các nội dung lớn có sự liên kết và logic với nhau. Chính điều này làm nên sự khoa học của công trình nghiên cứu, được thể hiện qua ngay từ cái nhìn khi đọc phần mục lục. Như vậy, có thể thấy việc đưa ra các nội dung nhỏ, tập hợp thành các nội dung lớn và sắp xếp các nội dung hợp lí sẽ giúp nghiên cứu của bạn có một mục lục khoa học, logic và tạo ấn tượng với giám khảo bởi mục lục chính là một trong những phần đầu tiên mà giám khảo sẽ đọc.

Như đã đề cập ở trên, việc thiết kế số lượng chương không bắt buộc, và việc lựa chọn các chương (nội dung lớn) hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của bài nghiên cứu và cách lựa chọn của tác giả. Dưới đây là một số lưu ý có thể hữu ích cho bạn khi thiết kế bố cục và nội dung công trình của mình:

– Một số chương lớn thường có trong một toàn văn công trình nghiên cứu là Mở đầu, Cơ sở lí luận, Phương pháp nghiên cứu, Thiết kế nghiên cứu, Xử lí và phân tích dữ liệu, Kết quả nghiên cứu, Kết luận (hàm ý và khuyến nghị). Tùy vào nội dung công trình nghiên cứu, có thể có thêm các chương khác nếu cần thiết và tùy theo tác giả, các chương có thể được tách hay gộp vào nhau. Ví dụ, chương Phương pháp nghiên cứu và Thiết kế nghiên cứu cũng có thể được gộp làm một với tên chương chính là 2 nội dung này, hay nội dung xử lí và phân tích dữ liệu có thể đưa vào chương Kết quả nghiên cứu.

– Bố cục thiết kế cần có sự cân đối giữa các chương và mỗi chương phải có vai trò ngang hàng nhau. Người nghiên cứu nên chú ý đến điều này để tránh đặt các nội dung quá nhỏ và không phù hợp thành hẳn 1 chương, hay dung lượng giữa các chương bị chênh lệch quá nhiều.

– Để có lựa chọn bố cục hợp lí nhất, người nghiên cứu cần hiểu rất rõ về nội dung của công trình và nên kết hợp với sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn để xây dựng được bố cục bài nghiên cứu hợp lí nhất.

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)