Cùng UEBer bắt tay thực hiện NCKH (lĩnh vực Kinh tế Phát triển)

Kinh te phat trien UEBTiếp tục loạt bài đặc biệt “Giới thiệu hướng nghiên cứu của các khoa trực thuộc trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN“, cộng đồng RCES sẽ giới thiệu các hướng nghiên cứu chính của Khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN tới các sinh viên quan tâm. Nếu bạn là sinh viên khoa Kinh tế Phát triển và vẫn đang băn khoăn chọn đề tài nào thì bài viết này có thể giúp ích cho bạn đấy!

Sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khoa Kinh tế phát triển thường tập trung theo 3 hướng nghiên cứu chính gồm Kinh tế ngành, Phát triển bền vững và Phát triển khu vực công.

1. Kinh tế ngành

Một số chủ đề trong hướng nghiên cứu Kinh tế ngành thường được các giảng viên và các sinh viên tại khoa Kinh tế Phát triển nghiên cứu gồm Kinh tế biển, Nông nghiệp và thủy sản, Công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng hiệu quả, …

label icon 4 Kinh tế biển là một hướng đi mới của khoa trong thời gian gần đây. Kinh tế biển hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế diễn ra trên đất liền nhưng trực tiếp liên quan đến khai thác biển (CIEM, 2014). Vì là hướng rất mới nên sinh viên nghiên cứu về mảng này có thể khai thác rất nhiều chủ đề như phân tích tiềm năng và thách thức phát triển của kinh tế biển, từ đó đưa ra các giải pháp định hướng, quy hoạch; nghiên cứu nguồn nhân lực, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đã phù hợp với nhu cầu, tiềm năng của biển hay chưa; có nên cân bằng giữa khai thác và bảo tồn tài nguyên biển?, v.v…

label icon 4 Nông nghiệp và thủy sản: Trong nền kinh tế nước ta, nông nghiệp và thủy sản là hai nhóm vấn đề quan trọng và có nhiều chủ đề hay và mang tính thực tiễn cao để khai thác. Có rất nhiều chủ đề đương đại hấp dẫn đang chờ đón các sinh viên khai phá trong mảng này như nông thôn mới, tình hình cung cấp nước sạch nông thôn, làng nghề; lượng giá thủy sản, quy hoạch thủy sản, v.v … (Các kiến thức và kĩ năng như đo lường, lượng giá, quy hoạch sẽ được giảng viên hướng dẫn trong quá trình sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học).

label icon 4 Công nghiệp, dịch vụ: Tương tự như nông nghiệp và thủy sản, ngành công nghiệp và dịch vụ cũng là một hướng nghiên cứu đa dạng về chủ đề, ví dụ như nâng cao năng suất ngành công nghiệp, tìm hiểu về lao động, đề xuất ứng dụng mô hình, quy trình trong phân tích sản xuất, dịch vụ, v.v…

label icon 4 Tăng trưởng theo chiều sâu: Hiểu một cách đơn giản, tăng trưởng theo chiều rộng là tăng các yếu tố đầu vào của sản xuất (tăng số lượng lao động, vốn…) thì tăng trưởng theo chiều sâu là tăng trưởng dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố đó. Tình hình nước ta hiện nay là đang tăng trưởng theo chiều rộng hay theo chiều sâu (đang dựa nhiều vào số lượng lao động, vốn hay dựa vào chất lượng lao động, hiệu quả sử dụng vốn…)? Kinh nghiệm thế giới về mô hình tăng trưởng (theo chiều rộng, theo chiều sâu như thế nào)? Áp dụng kinh nghiệm thế giới vào tình hình nước ta hiện nay ra sao?, … Những câu hỏi này và những câu hỏi mới vẫn đang chờ các nhóm nghiên cứu sinh viên trả lời.

label icon 4 Hiệu quả để phát triển: Rất nhiều chủ đề nghiên cứu về hiệu quả như sử dụng vốn, trang thiết bị, nguồn nhân lực, … đang chờ các nhóm nghiên cứu sinh viên quan tâm đến tính hiệu quả cho sự phát triển.

2. Phát triển bền vững

Ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế,  xã hội và môi trường. Phát triển bền vững là một chủ đề hay, khó, thú vị và là điểm khác biệt của khoa Kinh tế Phát triển. Với chủ đề lớn này, sinh viên có thể phân tích bao trùm cả 3  khía cạnh. Ví dụ như vai trò, tác động của Phát triển bền vững, tính thiết yếu của Phát triển bền vững với kinh tế Việt Nam, …

Một cách tiếp cận khác, sinh viên có thể theo đuổi từng khía cạnh trong đề tài nghiên cứu rộng này. Ví dụ về Kinh tế (kinh tế tri thức, mô hình tăng trưởng, lồng ghép các giải pháp giảm nghèo và bảo vệ môi trường, lao động, việc làm, hội nhập quốc tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh các cấp… ); Môi trường (sinh kế của người dân vùng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, khai thác bô xit, lượng phát thải CO2, hệ thống chỉ số đo lường ảnh hưởng của môi trường và phát triển bền vững…), Xã hội (bất bình đẳng, bẫy nghèo đói, biến đổi xã hội …)

3. Phát triển khu vực công

Phát triển khu vực công cũng là một chủ đề có từ khá lâu nhưng chưa khi nào là hết vấn đề để nghiên cứu như Tái cơ cấu kinh tế, lợi ích nhóm, tham nhũng, chi tiêu công, … Đây đều là những vấn đề đương đại vẫn chưa giải quyết được, vì vậy nếu thực hiện hiệu quả, các nhóm nghiên cứu vẫn có thể khai thác được rất nhiều chủ đề để nghiên cứu.

Ví dụ, có luồng ý kiến cho rằng càng tăng chi tiêu công càng giúp tăng trưởng kinh tế;  ngược lại, luồng ý kiến khác lại cho hay càng tăng chi tiêu công càng làm cản trở bước tiến của kinh tế. Thêm một giả định nữa là tăng chi tiêu công ban đầu sẽ giúp Kinh tế tăng trưởng, vượt qua một mức giới hạn nào đó, tăng chi tiêu công sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng chậm đi. Sự thật như thế nào? Mối quan hệ giữa chi tiêu công và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam ra sao? Nếu thực sự tồn tại “một giới hạn nào đó” thì giới hạn đó là bao nhiêu? Hãy đặt ra những câu hỏi của chính bản thân mình và tìm hiểu về chủ đề mình quan tâm để tìm ra đề tài nghiên cứu.  Tưong tự, với mỗi vấn đề khác, sinh viên có thể mở rộng hoặc thu hẹp hướng nghiên cứu của mình như vậy (cách phân chia trên chỉ mang tính chất tham khảo; thực chất một số chủ đề vẫn có thể bao hàm nhau).

label icon 4 Mách nhỏ:

  • Khoa Kinh tế Phát triển có một chuyên san sinh viên riêng, tập trung nhiều vấn đề nghiên cứu thuộc lĩnh vực của khoa. Tham khảo thêm tại đây.
  • Ngoài ra, các sinh viên còn có thể tham khảo thêm nhiều bài viết và các ấn phẩm phục vụ nghiên cứu tại Kho sách Online của Khoa Kinh tế Phát triển. Chi tiết tham khảo tại đây.

Chúc các bạn sinh viên có một mùa nghiên cứu khoa học thành công!

Thúy Nhị (RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa đầu tiên)