Cùng UEBer bắt tay thực hiện NCKH (lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán)

nghien cuu ke toan kiem toan 2Nằm trong loạt bài đặc biệt của dự án RCES SPREADOUT với chuyên mục đặc biệt số 02 “Giới thiệu hướng nghiên cứu của các khoa trực thuộc trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN”, bên cạnh việc hỗ trợ các UEBer trong việc lựa chọn đề tài, cộng đồng RCES sẽ tiếp tục giới thiệu về những mảng/hướng nghiên cứu tại các khoa trực thuộc trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN nhằm giúp các UEBer có cái nhìn rõ hơn về những mảng/hướng nghiên cứu chính mà mình quan tâm. Bài viết này do các RCESer là những sinh viên đã từng tham gia hoạt động NCKH tại khoa Kế toán – Kiểm toán thực hiện.

Không như các ngành đào tạo khác của trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, các ngành đào tạo tại khoa Kế toán – Kiểm toán lại mang nhiều đặc điểm về mặt kĩ thuật. Vì vậy, có không ít sinh viên nghĩ rằng không có nhiều vấn đề đề để nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cả 2 ngành này đều liên quan mật thiết đến các hoạt động kinh tế, vì vậy có rất nhiều đề tài đang chờ đợi các sinh viên quan tâm đến những vấn đề này. Khoa Kế toán – Kiểm toán, trường đại học Kinh tế – ĐHQGHN có 2 mảng nghiên cứu lớn là nghiên cứu về kế toánkiểm toán. Các UEBer quan tâm đến các lĩnh vực của khoa có thể tham khảo một số hướng nghiên cứu như sau:

label icon 4 Nghiên cứu về kiểm toán                                                          

Mảng nghiên cứu về Kiểm toán có một số hướng nghiên cứu chính:

1. Nghiên cứu kiểm toán các phần hành trong kiểm toán báo cáo tài chính

Với hướng nghiên cứu này, thông qua phương pháp kiểm toán cơ bản nói chung, người nghiên cứu sẽ phân tích, đánh giá quy trình kiểm toán tại các nước trên thế giới và so sánh giữa Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng quy trình kiểm toán chung, sáng tạo cho từng loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Nghiên cứu về các rủi ro thường gặp trong kiểm toán các phần hành kiểm toán

Với hướng nghiên cứu này, người nghiên cứu sẽ tìm hiểu và xác định những rủi ro chính thường gặp trong kiểm toán các phần hành kiểm toán khác nhau, từ đó hoàn thiện quy trình đánh giá và giảm thiểu rủi ro đối với từng loại hình doanh nghiệp.

3. Đánh giá sự trung thành của các công ty đối với các công ty kiểm toán

Với hướng nghiên cứu này, công trình nghiên cứu có thể đánh giá trên một số khía cạnh sau:

  • Đánh giá chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán: xây dựng và đánh giá hệ thống các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kiểm toán
  • Đánh giá mối quan hệ giữa khách hàng với công ty kiểm toán: thời gian duy trì dịch vụ kiểm toán, những nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa KH và công ty kiểm toán
  • Phí kiểm toán: Khảo sát về phí kiểm toán, so sánh và đánh giá sự hợp lí của phí kiểm toán

4. Đánh giá chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính

Với hướng nghiên cứu này, thông qua việc tìm hiểu, phân tích và so sánh về các báo cáo kiểm toán giữa Việt Nam và quốc tế, giữa các công ty kiểm toán tại Việt Nam với nhau, người nghiên cứu sẽ xây dựng hệ thống các nhân tố làm cơ sở đánh giá chất lượng kiểm toán BCTC, giải pháp khắc phục những yếu kém và đề xuất hướng hoàn thiện.

5. Kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại

Với hướng nghiên cứu này, người nghiên cứu sẽ nghiên cứu về hoạt động kiểm toán nội bộ với đại diện big 4 ngân hàng thương mai tại Việt Nam là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

6. Kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát tại các doanh nghiệp Việt Nam

 

label icon 4 Nghiên cứu về kế toán

Đối với mảng nghiên cứu về kế toán có 3 phân mảng nhỏ là kế toán tài chính, kế toán quản trị và thuế cùng. Dưới đây là một số hướng nghiên cứu chính của mỗi mảng nhỏ này:

1. Kế toán tài chính                                                                   

Kế toán quốc tế: Với hướng nghiên cứu này, sinh viên có thể nghiên cứu theo hướng tìm hiểu về những chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS chưa được áp dụng ở Việt Nam, từ đó nêu lên sự cần thiết của việc áp dụng chuẩn mực đó, đánh giá khả năng áp dụng và đưa ra các hướng áp dụng hoặc những điểm cần thiết để ban hành chuẩn mực mới tương đương hoặc bổ sung những điều cần áp dụng.

Kế toán tiền lương: Nghiên cứu về các vấn đề tiền lương, chính sách lương thưởng tại doanh nghiệp, chính sách lương theo quy định được áp dụng tại các doanh nghiệp, các khoản trích theo lương.

  1. Công bố thông tin kế toán: Dựa trên những quy định tại chuẩn mực kế toán, những quyết định, thông tư và văn bản hướng dẫn có liên quan tới việc công bố thông tin kế toán để đánh giá về chất lượng thông tin kế toán đã được công bố, từ đó chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong việc công bố thông tin theo quy định và đưa ra các hướng giải quyết.
  2. Phân tích hoạt động kinh doanh: dựa trên cơ sở phân tích các hoạt động kinh doanh và phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp, đánh giá về khả năng và năng lực của một doanh nghiệp cụ thể. Từ đó tổng quát lên thành các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra còn rất nhiều những phân mảng nghiên cứu khác trong mảng kế toán tài chính như: Kế toán hàng tồn kho, kế toán chi phí sản xuất kinh doanh…

2. Kế toán quản trị

  • Dựa trên các nguyên tắc quản trị hàng tồn kho để đánh giá khả năng quản trị hàng tồn kho của doanh nghiệp từ đó đưa ra các giải pháp quản trị hàng tồn kho có hiệu quả.
  • Dựa trên những phương pháp tính giá thành sản xuất, phương pháp quản trị nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đề xuất các phương pháp hoặc các công cụ quản lý chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất.

3. Thuế

Với hướng nghiên cứu này, từ những quy định và luật các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng,… người nghiên cứu có thể đánh giá vấn đề quản lý thuế theo khu vực kinh doanh hoặc theo các đối tượng như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể; hoặc chỉ ra những hình thức gian lận trong việc thi hành chính sách thuế của đối tượng kinh doanh.

<< CÒN 1 NGÀY >> DỰ ÁN RCES COMPANION MÙA THỨ 2  TUYỂN NEWBIE (Hạn đăng kí: 22/11/2015)

Thùy Dung – Ninh Yến (Các RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa thứ 2)