Nhiều nhóm nghiên cứu sinh viên nói rằng mình đã dành không ít thời gian để đầu tư cho việc tìm đề tài nhưng vẫn tìm mãi không ra … Vậy nhóm nghiên cứu của bạn đã biết cách để tìm ra đề tài nghiên cứu?
Tôi không biết chọn đề tài nào để thực hiện NCKH? Nhóm tôi đã mất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa tìm ra đề tài? Làm thế nào để tìm được đề tài nghiên cứu? Nếu tìm mãi mà vẫn không ra đề tài thì làm thế nào? …
Đó là những câu hỏi rất phổ biến, thường gặp ở sinh viên khi bắt tay vào hoạt động nghiên cứu khoa học, làm niên luận hay khóa luận tốt nghiệp. Có thể nói việc tìm ra một đề tài nghiên cứu không hề dễ dàng đối với sinh viên, đặc biệt là với những sinh viên lần đầu tham gia hoạt động NCKH. Nhiều nhóm nghiên cứu sinh viên nói rằng mình đã dành không ít thời gian để đầu tư cho việc tìm đề tài nhưng vẫn tìm mãi không ra … Vậy nhóm nghiên cứu của bạn đã biết cách để tìm ra đề tài nghiên cứu?
Trước tiên, hãy tìm hiểu những “sự cố” đằng sau việc các nhóm nghiên cứu thường cho rằng mình đã đầu tư nhiều thời gian nhưng chưa thu được thành quả như mong đợi nhé!
1. Dành một khoảng thời gian khá lâu để tìm đề tài, nhưng không tìm được đề tài nào ưng ý vì hầu hết khoảng thời gian đó các thành viên trong nhóm nghiên cứu không tập trung “đi tìm đề tài”.
Thời gian đúng là dài, nhưng do không tập trung và không chú tâm vào công việc chính nên các nhóm cứ để thời gian trôi qua từ từ … cho đến một ngày thấy thời gian đã trôi đi kha khá và nói rằng nhóm mình vẫn chưa tìm ra đề tài ưng ý. Đây có lẽ là lí do phổ biến hơn cả của các nhóm nghiên cứu không đặt mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu và không có lộ trình làm việc nhóm cụ thể.
Không có mục tiêu rõ ràng và không có lộ trình cụ thể là nguyên nhân khiến việc tìm đề tài diễn ra chậm chạp
2. Tập trung đi tìm kiếm tên các đề tài mà các sinh viên khóa trên đã thực hiện và hi vọng tìm được 1 đề tài nào đó ngay sau khi thực hiện xong việc này.
Đây là một điều thực sự nguy hiểm và hoàn toàn không đảm bảo sinh viên có thể tìm được một đề tài có thể thực hiện được. Sinh viên viên có thể thực hiện việc này; tuy nhiên việc xem tên đề tài của các sinh viên khóa trên đã thực hiện chỉ nên mang tính chất tham khảo và hỗ trợ sinh viên trong việc tìm hiểu các mảng/hướng nghiên cứu để chọn đề tài chứ không thể quyết định đề tài cuối cùng sinh viên sẽ theo đuổi để nghiên cứu.
3. Có quá nhiều vấn đề để tôi nghiên cứu và tôi không biết chọn đề tài nào!
Đây cũng là một lí do mà nhiều sinh viên bị bủa vây trong vòng luẩn quẩn khi chọn lựa. Khi bắt tay làm một công trình NCKH lần đầu tiên, sinh viên có thể chưa biết mình thực sự thích hay quan tâm đến vấn đề nào; vì vậy sinh viên phải bơi trong rất nhiều mảng vấn đề quá lớn và việc tìm ra một đề tài trong những mảng lớn đó với nhiều sinh viên thật không dễ dàng. Nếu không biết cách để tìm ra đề tài, sinh viên có thể sẽ cứ tiếp tục trong những vòng luẩn quẩn đó và không chọn được đề tài nào để tập trung vào nghiên cứu.
4. Đã chọn được 1 đề tài nhưng càng làm … càng thấy không khả thi.
Nhiều nhóm nghiên cứu rơi vào trường hợp này và bắt buộc lại quay về vạch xuất phát. Khi đã dành nhiều thời gian để “lao vào nghiên cứu”, gặp phải trường hợp này không ít nhóm nghiên cứu nản chí và mệt mỏi hơn ngay cả lúc chưa tìm được đề tài. Vậy lí do là tại sao? Hầu hết các nhóm gặp vấn đề này là do không tìm được dữ liệu phục vụ nghiên cứu (tài liệu nghiên cứu, dữ liệu để chạy mô hình, …); không tìm được phương pháp nghiên cứu phù hợp; không có khả năng thực hiện nghiên cứu vì nó quá tầm hoặc không có nhiều ý nghĩa để nghiên cứu, …
Lí do chính là vì các nhóm nghiên cứu này khi nghĩ ra 1 ý tưởng và cảm thấy hay hoặc muốn thực hiện sẽ “chốt” luôn đề tài và bỏ qua xem xét đến một số yếu tố kể trên; sau khi tìm hiểu sâu hơn thì lại thấy không khả thi và không ổn. Đây là trường hợp đi ngược lại với quy trình để tìm ra một đề tài nghiên cứu; chính vì vậy cảm giác “vui mừng” khi chốt được để tài dễ chuyển thành cảm giác “thất vọng” nếu nhóm vẫn làm theo cách cũ sau lần thất lần đầu tiên.
5. Không tìm được đề tài đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của nhóm nghiên cứu.
Những tiêu chí của đề tài mà các nhóm nghiên cứu sinh viên thực hiện nghiêm túc thường đặt ra là phải có tính mới, có tính thực tiễn, kết quả nghiên cứu phải có đóng góp thực sự, không bị trùng lặp cách tiếp cận vấn đề với các nhóm sinh viên khác, …Chính vì vậy, trong trường hợp này, việc phải mất nhiều thời gian để tìm ra công trình nghiên cứu chắc chắn xảy ra. Việc tìm được những ý tưởng mới thường không đến bất ngờ nếu không mất một quá trình tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến ý tưởng đó. Vì vậy, nếu nhóm bạn đang rơi vào trường hợp này thì cũng không nên quá hoang mang, hãy tiếp tục dành thời gian để tìm được đề tài mà mình ưng ý.
Trong phần 1 của loạt bài này, cộng đồng RCES đã liệt kê một số sự cố đằng sau việc các nhóm nghiên cứu thường mất nhiều thời gian mà vẫn chưa tìm ra được đề tài nghiên cứu ưng ý. Nhóm nghiên cứu của bạn đang rơi vào trường hợp này với lí do nào?
Xem phần 2 của loạt bài “Làm thế nào để sinh viên tìm ra đề tài nghiên cứu?” (Phần 2) để biết cách vượt qua một trong những giai đoạn khó nhất của hành trình thú vị mang tên nghiên cứu khoa học tại đây.