Tham gia hoạt động NCKH trong những năm sinh viên, các nhóm nghiên cứu sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội để vươn tới những giải thưởng danh giá, đề cao tri thức và sự sáng tạo. Đối với sinh viên UEB, một trong số đó phải kể tới giải thưởng tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường ĐHKT. Đây là giải thưởng thường niên được tổ chức nhằm tìm kiếm các nhóm sinh viên xuất sắc của trường ĐHKT trong hoạt động NCKH.
Thời gian tổ chức và quy mô của Hội nghị
Thông thường, Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường ĐHKT sẽ được diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 hàng năm với sự tham gia của 10 – 12 công trình nghiên cứu xuất sắc được đề cử từ 6 khoa trực thuộc của trường ĐHKT (mỗi khoa sẽ đề cử 2 công trình xuất sắc nhất được lựa chọn Hội nghị NCKHSV cấp khoa trước đó). Sau khi bốc thăm thứ tự báo cáo, các nhóm thực hiện công trình sẽ được chia làm hai phiên báo cáo, diễn ra trong cùng một ngày làm việc. Kết quả xếp hạng giải sẽ được công bố sau lượt báo cáo cuối cùng trong phiên buổi chiều.
Khác với các Hội nghị NCKHSV cấp khoa, tại Hội nghị cấp trường, Hội đồng phản biện sẽ có sự xuất hiện của các giám khảo đến từ tất cả các khoa trực thuộc của trường Đại học Kinh tế với số lượng nhiều hơn hẳn so với vòng cấp khoa (6 – 8 giám khảo). Sẽ chỉ có một Hội đồng giám khảo duy nhất đánh giá tất cả các công trình nghiên cứu tham gia trong vòng này. Với quy mô lớn hơn và tính cạnh tranh cao hơn, vì vây nếu được đề cử tham gia tại Hội nghị NCKHSV cấp trường thì đó đã là một thành công lớn của các nhóm nghiên cứu.
Quy định, thể lệ dành cho các nhóm báo cáo
Mỗi nhóm nghiên cứu sẽ có 12 – 15 phút bảo vệ (tuy nhiên thời lượng được khuyến nghị thường là 10 phút) bởi lí do nếu trình bày càng lâu, các giám khảo trong Hội đồng sẽ càng khó theo dõi và ghi nhớ các nội dung báo cáo. Trong trường hợp nhóm nghiên cứu trình bày quá thời gian cho phép, Chủ tịch Hội đồng sẽ ngừng phần báo cáo lại và chuyển sang phần phản biện để đảm bảo thời gian của phiên báo cáo.
Trong phần phản biện, thư kí Hội đồng có thể đọc phản biện công trình độc lập (khi công trình đã được gửi phản biện trước khi diễn ra Hội nghị). Sau đó, các giám khảo trong Hội đồng sẽ đưa ra đánh giá, nhận xét và đặt các câu hỏi cho nhóm nghiên cứu. Để tiết kiệm thời gian, các nhóm nghiên cứu được yêu cầu chú ý lắng nghe và ghi lại những câu hỏi; và sẽ trả lời một loạt tất cả các câu hỏi sau cùng.
Những câu hỏi phản biện thường gặp
Với sự đa dạng về lĩnh vực nghiên cứu của các giám khảo trong Hội đồng, các công trình có thể nhận được rất nhiều câu hỏi phản biện khác nhau. Những câu hỏi này có thể xuyên suốt toàn bộ các phần của công trình nghiên cứu, từ cơ sở lí luận, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu hay khuyến nghị và kết luận. Do đó, các nhóm nghiên cứu cần đảm bảo mình phải hiểu rất rõ nội dung công trình nghiên cứu để có thể tự tin trả lời các câu hỏi “hóc búa” được đưa ra. Nhóm nghiên cứu cũng nên chú ý từ những nội dung rất cơ bản có thể được các giám khảo “làm khó” như các định nghĩa, lí do lựa chọn mô hình, lí do lựa chọn phương pháp tiếp cận, … cho tới các phần diễn giải như quá trình thực hiện khảo sát, giải thích kết quả nghiên cứu hay khuyến nghị, … Thông thường, do thời gian báo cáo công trình thường cách xa thời gian nộp công trình, vì vậy các nhóm nghiên cứu nên đọc kĩ lại công trình để không bị “quên” bất cứ nội dung nào.
Tùy theo từng đề tài nghiên cứu, sẽ có rất nhiều câu hỏi phản biện được đưa ra. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý, có thể thấy một số câu hỏi sẽ được lặp lại với ý gần như tương tự trong các phần phản biện. Do đó, một trong những TIPS hữu ích chính là tới tham dự các phần báo cáo của các nhóm trước lượt của nhóm mình để có thể chuẩn bị sẵn sàng “ứng chiến” các câu hỏi được đưa ra. Ngoài ra, hoạt động chuẩn bị trả lời thử các câu hỏi phản biện từ giảng viên hướng dẫn, từ các tiền bối khóa trên, hay từ chính nhóm mình đặt ra cũng là bàn đạp giúp nhóm bạn tự tin hơn trước khi bước vào giờ G. Tuy nhiên, đừng quên rằng, yếu tố lớn hơn cả giúp bạn vượt qua phần phản biện chính là việc hiểu thực sự rõ về công trình của nhóm mình thực hiện.
Phòng Hội thảo 406 nhà E4 là địa điểm diễn ra Hội nghị NCKHSV cấp trường ĐHKT hàng năm
Những yếu tố giúp bạn tỏa sáng
Những công trình được lựa chọn tham gia Hội nghị NCKHSV cấp trường ĐHKT đều là những công trình xuất sắc được các khoa đề cử, do đó tính cạnh tranh sẽ cao hơn hẳn tại các Hội nghị được tổ chức tại cấp khoa. Trong khi nội dung của công trình – một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để đánh giá chất lượng công trình gần như không thay đổi được, việc gia tăng “sự khác biệt” sẽ là một yếu tố giúp nhóm nghiên cứu tạo ấn tượng tốt hơn, từ đó có khả năng đạt được thành tích cao hơn. Sự khác biệt ở đây chính là khả năng thu hút trong phần báo cáo và sự tự tin trong phần phản biện. Trong trường hợp các công trình có chất lượng ngang nhau, sự khác biệt này chính là yếu tố quyết định thứ hạng giải thưởng. Hãy chuẩn bị kĩ lưỡng về trang phục, thuyết trình và các câu trả lời cho các câu hỏi phản biện tiềm năng để gây ấn tượng với Hội đồng giám khảo!
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng nội dung của công trình vẫn là yếu tố cốt lõi để đánh giá chất lượng. Khi nộp công trình nghiên cứu tham gia vòng này, một số nhóm nghiên cứu không có nhiều thời gian để chỉnh sửa và trau chuốt nội dung; do đó phần báo cáo cần được tận dụng tối đa để làm nổi bật công trình. Bạn nên chú ý rằng không phải tất cả các giám khảo đã đọc toàn văn công trình của bạn trước giờ G, do đó nếu thuyết trình tốt, đó sẽ là điểm cộng lớn để gây ấn tượng với giám khảo. Những nhóm nghiên cứu làm tốt điều này thường được nhận xét là có phần trình bày thuyết phục/tốt hơn so với bản viết.
Những giải thưởng và cơ hội đang chờ đón bạn
Tại Hội nghị NCKHSV cấp trường ĐHKT thường niên, số lượng các giải thưởng thường được phân bố như sau: 1- 2 Giải Nhất; 2 Giải Nhì; 3 – 4 Giải Ba và các giải còn lại là Giải Khuyến khích. Tất cả các thành viên trong nhóm đạt giải đều sẽ nhận được giấy chứng nhận từ Phó Hiệu trưởng trường ĐHKT, kèm theo các giải thưởng khuyến khích và ưu tiên cộng điểm xét học bổng theo quy định của Nhà trường.
Ngoài ra, những nhóm nghiên cứu sinh viên có công trình xuất sắc đạt Giải Nhất và Giải Nhì sẽ có cơ hội đại diện cho trường ĐHKT tham gia tại các Giải thưởng NCKH danh giá được tổ chức thường niên như Giải thưởng NCKH dành cho sinh viên xuất sắc của Đại học Quốc gia, Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam (Giải thưởng NCKHSV cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giải thưởng NCKH dành cho sinh viên khối ngành Kinh tế và QTKD toàn quốc, …
Giây phút hồi hộp được xướng tên nhận giải thưởng có lẽ là giây phút hồi hộp và khó quên với tất cả các nhóm nghiên cứu tham gia tại Hội nghị NCKHSV cấp trường ĐHKT hàng năm. Hãy báo cáo, phản biện công trình thật xuất sắc và tận hưởng giây phút hồi hộp đó! Chúc các nhóm nghiên cứu bình tĩnh, tự tin, có phần thể hiện xuất sắc và đạt được thành tích như mong đợi tại Hội nghị NCKHSV cấp trường ĐHKT năm 2015!
>> Xem thêm: Loạt bài đặc biệt giúp bạn tự tin trước giờ báo cáo và bảo vệ công trình