Để bản viết báo cáo nghiên cứu đáp ứng tính khoa học và có chất lượng cao, việc tránh các lỗi mắc phải trong quá trình viết báo cáo là điều rất cần thiết. Do chưa có nhiều kinh nghiệm viết, các nhóm sinh viên thường gặp phải khá nhiều lỗi trong bước cuối cùng trong quá trình nghiên cứu khoa học khiến sản phẩm có thể không đạt được kết quả như mong đợi. Trong bài viết này, Cộng đồng RCES sẽ giới thiệu các lỗi phổ biến cũng như cách khắc phục các lỗi này. Đừng quên chia sẻ bài viết cho cộng sự của bạn để sản phẩm nghiên cứu của nhóm có chất lượng cao nhất nhé!
1. Lỗi sử dụng ngôn ngữ
Các lỗi thường gặp thuộc nhóm này gồm có:
- Lỗi sai về mặt chính tả
- Sử dụng các từ ngữ ngôn ngữ quá đời sống, không phù hợp trong các văn bản viết báo cáo khoa học
- Sử dụng các từ thừa thường được sử dụng trong văn nói (thì, mà, là …)
- Sử dụng những từ ngữ thể hiện cảm xúc cá nhân (có thể phù hợp trong văn phong viết báo chí, nhưng không phù hợp trong văn phong khoa học).
- Sử dụng các từ ngữ thể hiện tính chủ quan như các đại từ ngôi thứ nhất: tôi, ta, chúng ta…
Để tránh các lỗi này, người viết cần chú ý hai nội dung rất quan trọng. Thứ nhất, ngôn ngữ được trình bày trong báo cáo nghiên cứu khoa học là ngôn ngữ viết theo văn phong khoa học, vì vậy ngôn ngữ nói và ngôn ngữ sử dụng trong báo chí là không phù hợp. Thứ hai, kết quả nghiên cứu khoa học cần khách quan, vì vậy, cần hạn chế tối đa yếu tố cảm quan của người nghiên cứu thể hiện trong sản phẩm viết.
2. Lỗi về văn phong viết
Lỗi về văn phong viết thể hiện rõ nhất thường thể hiện qua các trường hợp:
- Viết lan man, tản mạn và không rõ ý chính
- Các câu trong cùng một đoạn không có sự liên kết với nhau
- Lối viết sử dụng theo văn phong báo chí, văn học mang tính chất PR, giật tít, nói quá, nội dung thể hiện cảm xúc, …
Lỗi về văn phong viết là lỗi thường gặp với các nghiên cứu không đầu tư sâu trong giai đoạn viết. Lỗi này sẽ khiến giám khảo đánh giá thấp về năng lực nghiên cứu của người thực hiện vì lỗi này cho thấy người viết không thể hiện được ý muốn đề cập, khiến ý rất khó hiểu và nhiều khi không có ý nghĩa. Đây cũng là lỗi khiến giám khảo rất đau đầu khi không bắt được ý và dễ gây cảm giác khó chịu.
Để khắc phục lỗi này, người viết báo cáo nên chú ý một số TIPS sau:
– Viết có luận điểm: Người viết phải biết rõ luận điểm muốn trình bày là gì, sau đó mới triển khai viết.
– Nên sử dụng cách viết diễn dịch: Theo lối viết này, người viết cần đặt luận điểm/câu chủ đề ở đầu đoạn; các câu tiếp theo sẽ hỗ trợ triển khai ý của câu chủ đề đó. Như vậy, nội dung sẽ trở nên rõ ràng và mạch lạc, người đọc dễ theo dõi.
– Viết có trọng tâm, các câu phải có liên kết với nhau: Người viết không nên viết quá dài mà không có trọng tâm. Thay vào việc chú trọng vào độ dài, nên chú ý tới chất lượng để hướng đến việc người đọc hiểu được ý muốn truyền tải là điều quan trọng hơn cả. Ngoài ra, giữa các câu cần có sự liên kết với nhau để thuyết phục được người đọc. Việc sử dụng các từ nối và tư duy viết logic sẽ giúp người viết làm được điều này.
3. Lỗi về mặt nội dung viết
Yêu cầu khi viết báo cáo nghiên cứu là nội dung phải rất khoa học và khách quan. Do đó, với những gì mà người viết không biết hoặc nghi ngờ thì không được đưa vào trong bài, vì như vậy nội dung đó không có cơ sở khoa học và không được công nhận. Nếu người viết không chú ý đến điều này sẽ dễ mắc lỗi về mặt nội dung khoa học, khiến sản phẩm nghiên cứu dễ bị đánh giá là thiếu thuyết phục.
Tuy nhiên, trong các bài nghiên cứu, phần giải thích kết quả nghiên cứu thường là phần có ngoại lệ trên bởi tình huống/đối tượng nghiên cứu giữa các bài là khác nhau, do đó kết quả nghiên cứu có thể khác nhau. Trong trường hợp này, việc đưa ra quan điểm cá nhân để giải thích cho các kết quả không như thông thường là điều cần thiết để kết quả nghiên cứu đưa ra được thuyết phục. Tất nhiên, mọi quan điểm từ góc độ cá nhân như thế này phải có logic và hợp lí thì mới thuyết phục người đọc/giám khảo.
4. Lỗi đạo văn
Đây là lỗi rất nặng thuộc về đạo đức nghiên cứu mà nếu không chú ý, các nhóm nghiên cứu sinh viên rất dễ dàng gặp phải. Lỗi này xảy ra khi người viết sử dụng lại các nguồn tài liệu tham khảo mà không trích dẫn hoặc trích dẫn không đúng quy định. Cộng đồng RCES sẽ có các bài viết chi tiết về lỗi này để giúp các bạn sinh viên tránh gặp phải lỗi đạo văn. Các bài viết về nội dung này sẽ được đăng tải trên fanpage của Cộng đồng RCES vào 25/3/2016.
Toàn bộ kết quả nghiên cứu được thể hiện trên văn bản viết, do đó việc đầu tư cho giai đoạn viết báo cáo nghiên cứu là rất quan trọng. Để nâng cao khả năng viết báo cáo nghiên cứu khoa học, Cộng đồng RCES giới thiệu một số TIPS các bạn sinh viên có thể áp dụng như sau:
– Đọc nhiều tài liệu khoa học tin cậy để học hỏi cách viết
– Kiên nhẫn viết, tự đọc lại và sửa chữa khi khả năng viết chưa tốt
– Chú ý tới trường nghĩa và sắc thái nghĩa của từ ngữ để lựa chọn từ ngữ phù hợp nhất với nội dung viết vì có rất nhiều từ cùng nghĩa nhưng sắc thái nghĩa lại không giống nhau.
– Sau khi hoàn thành bản viết tốt nhất, nên nhờ tới sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn hay những người có kinh nghiệm nghiên cứu để được góp ý về cách viết và sửa chữa để bài viết có chất lượng cao hơn.