Nên lựa chọn cộng sự nghiên cứu như thế nào?

cong su nghien cuuChắc hẳn bạn đã từng thấy từ “et al.” ở đâu đó rồi đúng không? Đặc biệt với các bạn đọc cái tài liệu Tiếng anh chắc hẳn sẽ thường xuyên thấy từ này ở các trích dẫn. Trong nghiên cứu, mô típ “Tác giả chính & et al.” được dịch sang tiếng Việt là “Tác giả chính và các cộng sự” đấy. Khi một người nghiên cứu sử dụng lại một số câu trong báo cáo nghiên cứu của tác giả khác, thì người đó phải trích dẫn nguồn tác giả. Bạn có muốn tên mình và các thành viên trong nhóm xuất hiện ở đâu đó, ví dụ trong các nghiên cứu của các em sinh viên khóa sau chẳng hạn?

Sinh viên chúng mình tham gia NCKH thông thường đều hoạt động dưới dạng nhóm bởi nếu làm độc lập thì “ít trải nghiệm, lại nhiều mệt”. Làm nhóm sẽ giúp chúng mình có sự chia sẻ và hỗ trợ nhau trong suốt hành trình này. Hơn thế nữa, khi hoàn thành nghiên cứu, những kỉ niệm có thể sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất thời sinh viên đấy! Vậy tôi đi tìm cộng sự đây!

label icon 4 Điều đầu tiên bạn cần chú ý khi tìm những người đồng hành với mình làm NCKH là phải “cùng chí hướng”. Thời gian của mùa NCKH cho UEBer chúng mình sẽ bắt đầu chính thức từ tháng 11 (nhận giảng viên hướng dẫn) cho tới tháng 4 (báo cáo nghiên cứu). Đây không phải là khoảng thời gian ngắn, vì vậy để đảm bảo cho cuộc hành trình này diễn ra đạt kết quả như mong đợi, các thành viên trong nhóm cần phải có cùng có sự quan tâm đến chủ đề nghiên cứu, có cùng mục tiêu và mong muốn hoàn thành công trình nghiên cứu. Nếu chính các thành viên trong một nhóm không tìm thấy điểm chung về lĩnh vực nghiên cứu quan tâm thì sẽ rất khó để cùng đi trên 1 hành trình, bởi bạn chỉ thực hiện được hoạt động nghiên cứu tốt nhất nếu bạn thực sự thích nó. Hoặc nếu trong nhóm 3 người, chỉ có bạn thực sự mong muốn hoàn thành công trình và đạt được mục tiêu nào đó, mà những người bạn còn lại hững hờ thì khả năng nhóm không hoàn thành được mục tiêu như bạn mong đợi cũng rất lớn.

label icon 4 Thứ hai, đó chính là sự kiên trì – ngay cả với bạn hay bất cứ thành viên nào trong nhóm. Chặng đường NCKH không chỉ diễn ra trong 1, 2 ngày mà là nhiều tháng. Sẽ có những thời gian đầy thách thức và cả nhóm phải thật cố gắng để vượt qua như lúc xử lí dữ liệu, tìm mô hình, hay chọn đề tài nghiên cứu khả thi. Vì vậy, người thiếu sự kiên trì có lẽ không phải là người đồng hành thích hợp với bạn.

kham pha ban than

Nghiên cứu khoa học – Trải nghiệm sinh viên đáng nhớ giúp bạn khám phá thêm chính bản thân mình

label icon 4 Thứ ba là không ngại tìm tòi, một chút sáng tạo và thông minh. Yếu tố này đặc biệt quan trọng bởi NCKH là hành trình khám phá những điều mới. Giảng viên hướng dẫn chỉ đóng vai trò là người gợi ý còn việc tìm tòi, khám phá là việc của sinh viên chúng mình. Do đó, sự tìm tòi là yếu tố quan trọng đối với người nghiên cứu. Tất nhiên, một chút sáng tạo và thông minh sẽ giúp chúng ta thuận lợi hơn trên hành trình này.

label icon 4 Thứ tư là sự thấu hiểu nhau. Điều này sẽ giúp nhóm hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều khi các thành viên có sự hiểu về nhau: tính cách, khả năng hay các yếu tố khác. Chính vì vậy, nhiều nhóm bạn thân đã cùng lập các team nghiên cứu đấy! Tuy nhiên, đây cũng là điều cần hết sức chú ý bởi làm NCKH không phải giống như khi chúng ta chơi hay trò chuyện với nhau. Đây là một việc cần sự đầu tư nghiêm túc, vì thế không phải nhóm bạn nào làm NCKH cũng thành công; ngược lại là làm tình bạn căng thẳng khi trải qua thời kì cao điểm của mùa nghiên cứu. Khi bạn làm NCKH thì cần có sự cân nhắc đến vấn đề này. Bạn có nghĩ làm NCKH cùng một người bạn mới và cùng tìm hiểu nhau trong hành trình này là trải nghiệm thú vị? Cũng rất thú vị đấy chứ, phải không bạn?

Trong các yếu tố trên, bạn có thấy mình hay cộng sự dự kiến của mình chưa đáp ứng được điều gì? Nếu có, không hẳn bạn hay người bạn đó không thích hợp làm NCKH đâu! Bởi ngay cả chúng ta chưa thể hiểu hết bản thân mình, và thông qua NCKH, bạn sẽ hiểu chính bản thân mình rõ hơn khi tương tác và nhận phản hồi với những cộng sự của mình đấy! Một trong những điều mà nhiều sinh viên NCKH chia sẻ chính là sau quá trình NCKH, nhiều lúc dường như họ vượt qua hơn cả bản thân mình nghĩ!

Việc tìm được những cộng sự nghiên cứu có cùng sự quan tâm về lĩnh vực muốn tìm hiểu, có mục tiêu rõ ràng và có thái độ làm việc nghiêm túc chính là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của nhóm nghiên cứu. Chúc bạn sớm tìm được những người cộng sự ưng ý và hãy cùng bắt tay tìm vấn đề nhóm mình quan tâm ngay thôi! Xem gợi ý cách lựa chọn hướng nghiên cứu tại đây.

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)