Điều khác biệt giữa việc nghiên cứu khoa học và trả lời một câu hỏi thông thường là việc bạn phải sử dụng những bằng chứng khoa học để trả lời cho câu hỏi. Để làm được điều này, người nghiên cứu cần sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. Đây là điều rất quan trọng để bạn có thể thiết kế nghiên cứu (research design) cho nghiên cứu của mình. Vậy làm thế nào để lựa chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp cho nghiên cứu? Hãy cùng Cộng đồng RCES tìm câu trả lời cho câu hỏi đó trong bài viết này.
Hiểu được đặc điểm của các phương pháp nghiên cứu
Có nhiều cách phân loại về các phương pháp nghiên cứu, trong đó có một phương pháp nghiên cứu khoa học thường được sử dụng trong nghiên cứu kinh tế là phương pháp định tính, phương pháp định lượng (phân loại kiểu khái quát); phương pháp mô tả thông kê, phương pháp khảo sát, phương pháp thực nghiệm, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp nghiên cứu tình huống – case study (phân loại kiểu cụ thể) … Tuy nhiên, trong một bài nghiên cứu thường có sự kết hợp giữa các phương pháp, do đó người nghiên cứu cần hiểu được đặc điểm của những loại này thì mới chọn được các phương pháp nghiên cứu phù hợp để sử dụng. Ví dụ, trong nghiên cứu “Những yếu tố ảnh hưởng tới việc mua hàng trực tuyến của sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội”, người nghiên cứu cần sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp nghiên cứu là phương pháp định lượng và phương pháp khảo sát.
Trong nghiên cứu kinh tế, 2 phương pháp nghiên cứu thường được nhắc tới nhiều nhất là phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Xem sự khác biệt giữa hai phương pháp nghiên cứu này tại đây.
Hiểu rõ mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu
Mỗi nghiên cứu được thực hiện để trả lời những câu hỏi nhất định, do đó việc hiểu rõ mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu là điều quan trọng để lựa chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp. Điều này rất cần thiết bởi mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, do đó người nghiên cứu cần xem xét đâu là phương pháp phù hợp nhất.
Mỗi phương pháp nghiên cứu có ưu điểm và hạn chế riêng
Ví dụ, phương pháp định lượng có ưu điểm là giải thích được mối quan hệ giữa các đại lượng, yếu tố bằng toán học, do đó kết quả nghiên cứu sẽ dễ thuyết phục hơn, tuy nhiên cũng có hạn chế là kết quả nghiên cứu có thể không đúng với thực tế nếu số liệu đầu vào có vấn đề. Hay nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát có ưu điểm là số liệu sơ cấp và cập nhật thực tế nên kết quả nghiên cứu có thể chính xác hơn, nhưng lại gặp khó khăn trong hoạt động tổ chức thu thập số liệu (tốn thời gian, mất nhiều chi phí, …)
Do đó, người nghiên cứu cần thực sự hiểu về mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu của mình để đánh giá được tính khả thi trong từng phương pháp, nhằm tìm ra phương pháp nghiên cứu thích hợp nhất. Ví dụ, một nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu tìm ra các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định sử dụng dịch vụ Mobile Banking của người dùng Việt Nam thì nghiên cứu định lượng có thể thích hợp hơn bởi khi sử dụng phương pháp này có thể giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố bằng toán học. Trong khi đó, ví dụ với nghiên cứu “Giải pháp giảm thiểu tình trạng cử nhân Việt Nam thất nghiệp trong giai đoạn 2015 – 2025” thì phương pháp nghiên cứu định tính có thể thích hợp hơn bởi nghiên cứu này cần làm rõ về thực trạng, nguyên nhân, đưa ra bình luận, … do đó việc sử dụng các phương pháp cụ thể như khảo sát, mô tả thống kê hay phỏng vấn sâu lại phù hợp hơn.
Tham khảo các công trình nghiên cứu khác đã thực hiện
Nếu bạn là sinh viên mới bắt đầu đến với hoạt động nghiên cứu khoa học, việc tham khảo các công trình nghiên cứu khác là một trong những giải pháp thực tiễn để tìm ra phương pháp nghiên cứu phù hợp. Hãy đọc các kết quả nghiên cứu đã được công bố và học hỏi để xem những người khác đã làm thế nào. Từ đó, bạn có thể tham khảo cách họ sử dụng phương pháp nghiên cứu để lựa chọn phương pháp phù hợp, hoặc kết hợp các phương pháp bạn thấy thích hợp để đạt trả lời được câu hỏi nghiên cứu của mình. Có thể cùng một câu hỏi nghiên cứu, nhưng 2 bài nghiên cứu lại sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu khác nhau và cho ra 2 kết quả nghiên cứu khác nhau, do đó việc tham khảo kết quả nghiên cứu của các công trình khác sẽ giúp bạn có nhìn nhận đa chiều hơn về các phương pháp, cũng như giúp bạn hình dung rõ hơn về cách thức thực hiện theo phương pháp đó để lựa chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp.
Quá trình đọc tài liệu sẽ giúp bạn hiểu thêm về các phương pháp nghiên cứu, từ đó giúp bạn được phương pháp thích hợp nhất. Xem thêm bài viết “Những nội dung cần chú ý khi đọc tài liệu nghiên cứu” để biết bên cạnh phương pháp nghiên cứu, bạn cần khai thác thêm những nội dung nào khi khai thác thông tin từ các tài liệu.