Có một câu nói mà mình rất yêu thích “Dù bạn muốn làm gì thì hãy làm ngay, đã quá nhiều ngày mai rồi!” và hành trình NKCH của mình đã được khởi động bằng chính câu nói đó. Chào các bạn, mình là Nguyễn Thùy Dung, sinh viên năm thứ 4, khoa Kế toán – Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN. Một mùa NCKH lại sắp đến, là người vừa trải nghiêm và vẫn còn vẹn nguyên những cảm giác hôm nào, mình muốn chia sẻ với các bạn về hành trình làm NCKH đầy thú vị mà mình đã trải qua trong bài viết ngày hôm nay.
Mình đến với NKCH như thế nào? Ngay từ khi mới bắt đầu là sinh viên năm 2, mình đã tự đặt câu hỏi cho bản thân “Với đứa ham chơi hơn ham học như mình, có thể làm nghiên cứu được không?” rồi câu hỏi vẫn cứ đặt ở đó. Thế rồi câu trả lời đến bất chợt với mình khi mình thấy đứa bé hàng xóm tập đi, chập chững chập chững, bước được 2 bước là ngã, xong đứng lên, bước tiếp 3 bước lại ngã, rồi lại đứng lên… Mình tự nghĩ tới bản thân mình “Đã quá nhiều ngày mai để bắt đầu NKCH! mình cần phải bắt tay vào thực hiện ngay từ khi ấy.
Vậy là trong năm học vừa rồi mình chính thức bắt đầu tham gia hoạt động NCKH như bao bạn sinh viên khác ở UEB. Qua bao nhiêu lần “dụ dỗ” tưởng chừng như thất bại, cuối cùng mình cũng tìm được bạn đồng hành chặng đường nghiên cứu. Thế rồi, qua rất nhiều lần đổi đề tài, cuối cùng nhóm cũng chốt được tên đề tài cuối cùng. Điều trớ trêu và tưởng chừng làm nhóm mình phải dừng lại chính là đề tài của mình phải tham khảo rất nhiều tài liệu Tiếng anh. Với trình độ tiếng Anh không phải quá xuất sắc của mình thì đọc một bài tiếng anh bình thường 1 trang A4 đã là hơi quá sức, chứ không kể tới chuyện đọc mấy chục trang tiếng anh chuyên ngành. Khi ấy, mình đã phải tìm đến công cụ Google Translate như sự hỗ trợ tốt nhất ở thời điểm đó. Qua giai đoạn nghiên cứu, tiếng Anh của mình tiến bộ hơn rất nhiều khi ngày nào cũng tiếp xúc với nhiều từ chuyên ngành, và với những từ lặp lại càng nhiều mình càng nhớ. Rồi lại tới lúc bắt tay vào viết, sửa đi sửa lại, từ nội dung cho tới hình thức. Nhiều lần như vậy, không chỉ kĩ năng viết bài, đọc tài liệu mà kĩ năng trình bày của mình cũng được nâng cao rất nhiều.
Và rồi cuối cùng nhóm mình cũng hoàn thành công trình, nộp lên vòng khoa và chờ đợi ngày báo cáo trước Hội đồng. Trước khi đứng trước hội đồng phản biện, mình chỉ hi vọng rằng sẽ trình bày trôi chảy, truyền đạt lại tốt nhất những gì mình hiểu, vậy mà kết quả bất ngờ, nhóm mình đã được Giải Nhì cấp khoa. Thành quả mà bao ngày cả nhóm cùng nỗ lực cố gắng đã được đền đáp, cho tới giừo mình vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc hạnh phúc ngày hôm đó. Nhìn lại cả hành trình nghiên cứu, khó khăn thì vô vàn, nhưng mình tin là quyết tâm và kiên trì theo đuổi thì cuối cùng sẽ đi tới đích. Như một đứa trẻ tập đi, vấp ngã ngay từ những bước đầu tiên, nhưng lại đứng lên, tiếp tục tập những bước tiếp theo, chắc chắn sẽ ngã tiếp nhưng rồi sẽ biết đi, thậm chí có thể chạy. Điều quan trọng nhất là quyết định của bạn, quyết định bắt tay vào nghiên cứu ngay từ bây giờ và theo đuổi nó dù có khó khăn. Rất nhiều sinh viên khác và mình đã làm được, mình tin bạn cũng chắc chắn làm được!
Kết thúc quá trình nghiên cứu, những suy nghĩ về NKCH của mình đã thay đổi rất nhiều. Mình tự hỏi “Nghiên cứu khoa học có giống như những gì mình đã nghĩ?”, và câu trả lời của mình là “NCKH thực sự khác cho đến khi bạn bắt đầu thử trải nghiệm nó”. Và trên hành trình đó bạn còn có các thành viên trong nhóm, còn giảng viên hướng dẫn, còn nhiều anh chị đã từng tham gia luôn sẵn sàng đồng hành và giúp đỡ bạn. Nghiên cứu khoa học chỉ dành cho những người học giỏi đúng không? Không đúng, việc học ở trường yêu cầu bạn học nhiều môn nhiều vấn đề, còn NCKH thì bạn sẽ đào sâu nghiên cứu vào một lĩnh vực đề tài mà bạn quan tâm. Vì vậy mình nghĩ, khi sinh viên chúng mình quyết định làm NKCH và quyết tâm theo đuổi nó thì chắc chắn các bạn sẽ làm được, và mình chính là một nhân chứng cho điều đó. Nghiên cứu khoa học là sẽ làm một điều gì đó rất lớn lao, mang tầm cỡ vĩ mô? Không, đơn giản là nghiên cứu là quá trình đi tìm hiểu câu trả lời cho những câu hỏi, để có thêm kiến thức, kĩ năng cho bản thân, và mở rộng hơn nữa là có thể đóng góp một phần vào việc giải quyết vấn đề mà bạn nghiên cứu.
Chắc hẳn không ít bạn sinh viên đều cho rằng nghiên cứu khoa học chỉ dành cho những “siêu nhân”. Quả thật, những “nhân” tham gia nghiên cứu khoa học đều “siêu” cả. Họ “siêu” không phải vì họ giỏi hay quá giỏi, mà bởi vì họ thực sự mong muốn học hỏi và trải nghiệm, họ muốn khám phá hay đơn giản hơn, vì họ muốn có thêm những kỉ niệm và những trải nghiệm khi còn là sinh viên. Đó chính là lý do mình tham gia và mong muốn bạn bè cũng được trải nghiệm nghiên cứu khoa học. Vậy đấy, có rất nhiều suy nghĩ đã thay đổi so với trước khi mình tham gia nghiên cứu. Và người tiếp theo, mình hi vọng chính là các bạn – những sinh viên rất trẻ, sẽ không bỏ lỡ trải nghiệm đáng nhớ này!
Còn những gì mình đã nhận được khi tham gia nghiên cứu khoa học? Có lẽ đây lại là một chia sẻ khác, vì có quá nhiều điều mình đã nhận được, đó không hẳn chỉ là giải thưởng, là rất nhiều ưu ái khi xét học bổng, điểm cộng lớn trong CV, mà đó là những người bạn, những người thầy, những trải nghiệm và những kỉ niệm không thể quên khi còn là sinh viên. Quay lại câu hỏi ở trên “Tại sao lại là nghiên cứu khoa học?” bạn hãy thử một lần và trải nghiệm như bao sinh viên khác. Và mình tin chắc, bạn sẽ trưởng thành và “siêu” hơn rất nhiều sau khi nghiên cứu. Theo mình, kinh nghiệm chỉ đọc thôi là chưa đủ vì nó là kinh nghiệm của người khác, phải tự mình tạo ra, tự mình trải nghiệm và khám phá nó.
Hi vọng với chia sẻ của 1 sinh viên từng có cái nhìn về NCKH như nhiều sinh viên khác, mình đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về hoạt động NCKH sinh viên thông qua những góc cạnh mới và những trải nghiệm thú vị trong hoạt động này. Các bạn hãy luôn nghĩ rằng “không có gì là không thể làm được” những hãy nhớ rằng điều quan trọng là bản thân có muốn hay không. Và cho dù việc đó có khó đến đâu, có vất vả thế nào, chỉ cần bạn quyết tâm tới cùng thì chắc chắn điều bạn muốn làm sẽ có kết quả. Và hãy bắt đầu NKCH ngay từ hôm nay, ngay từ bây giờ, bởi vì “Đã quá nhiều ngày mai để bắt đầu NKCH!”. Và hãy cùng với những người bạn đồng hành của mình tạo nên dấu ấn của thời sinh viên bằng một công trình mà trong đó tác giả chính là bạn nhé!
Nguyễn Thùy Dung (RCESer)
> SẮP DIỄN RA: Khởi động dự án I RESEARCH mùa thứ 2 – Chương trình R Talk 1 với chủ đề “NCKHSV – TÔI CÓ THỂ!” (17h00 Thứ 4, 04/11/2015).