Cùng UEBer bắt tay thực hiện NCKH (lĩnh vực Tài chính)

nghien cuu tai chinhĐể chốt được đề tài nghiên cứu cuối cùng và bắt tay vào thực hiện nghiên cứu đó không phải là điều dễ dàng với những sinh viên bắt đầu làm nghiên cứu. Từng là những sinh viên bắt đầu tham gia hoạt động NCKH, mỗi RCESer cũng đã trải qua những thời điểm rất khó khăn trong việc tìm đề tài thực hiện. Bạn là UEBer quan tâm đến lĩnh vực Tài chính và đang có dự định NCKH trong năm nay?

Hãy cùng xem các RCESer chia sẻ một số thông tin về một số hướng nghiên cứu phổ biến trong lĩnh vực này nhé! Ý tưởng về một đề tài nghiên cứu khả thi và chất lượng hiếm khi đến bất ngờ với sinh viên; nó thường đến khi chúng mình đã tìm hiểu và nắm được một lượng kiến thức nền cơ bản về 1 lĩnh vực nào đó. Vậy hãy bắt đầu bằng việc tìm một số mảng nghiên cứu trong lĩnh vực rộng là Tài chính, và sau đó đừng quên tìm hiểu sâu hơn và thu hẹp dần đề tài của mình nào!

1. Tài chính vi mô

label icon 3 Khái niệm:

Tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Tài chính vi mô thường kéo theo hàng loạt các dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo và rất nghèo có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng không tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Những người nghèo trong xã hội rất cần các loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bình ổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước rủi ro. Kinh nghiệm cho thấy, tài chính vi mô có thể giúp người nghèo tăng thu nhập, tạo lập hoạt động kinh doanh bền vững và giảm khả năng dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài. Tài chính vi mô cũng là công cụ mạnh mẽ giúp người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, tăng cường quyền lực kinh tế và trở thành các chủ thể kinh tế. Do đó, việc tận dụng tối đa sức mạnh của các dự án tài chính vi mô để gia tăng phúc lợi cho bộ phận người nghèo là rất quan trọng.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô hỗ trợ người nghèo.
  • Nghiên cứu các mô hình đào tạo tài chính vi mô dành cho người nghèo ở các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trong và ngoài nước.
  • Nghiên cứu tác động của khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính vi mô đến xóa đói, giảm nghèo.
  • Đánh giá các dự án quốc tế trong lĩnh vực tài chính vi mô, chính sách cho người nghèo, chính sách phát triển.

2. Tài chính vĩ mô

label icon 3 Khái niệm:

Tài chính vĩ mô là hướng nghiên cứu các biến số vĩ mô của nền kinh tế như GDP, lạm phát, lãi suất và cung ứng tiền tệ. Xem xét mối quan hệ giữa chúng và tác động của các biến số này tới nền kinh tế.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Các biến số tài chính vĩ mô là những chỉ số nền tảng và được theo dõi một cách chặt chẽ trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Sự thay đổi của các biến số này cho dù có nguyên nhân từ thị trường hay sự can thiệp từ chính phủ cũng đều gây ra những ảnh hưởng đa chiều tới mọi thành phần của nền kinh tế, rộng hơn nữa, là gây ra những tác động rộng lớn trên cả phương diện không gian và thời gian.  Do đó, việc hiểu rõ các biến số kinh tế này là rất cần thiết để giúp các nhà hoạch định đưa ra những quyết định chính xác để đạt được những mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn, các doanh nghiệp và người dân có được sự ứng phó tốt hơn đối với sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Các vấn đề về lãi suất và tác động đến nền kinh tế.
  • Điều kiện tiếp cận đến nguồn vay tín dụng của doanh nghiệp.
  • Các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái, cán cân tài khoản vãn lai và thị trường ngoại hối
  • Các vấn đề liên quan đến lạm phát, mối quan hệ với lãi suất và tỷ giá, cung ứng tiền tệ.

3. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

label icon 3 Khái niệm:

Chính sách tiền tệ là biện pháp do NHTW thực hiện nhằm kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế để đạt được những mục đích như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái. Chính sách tài khóa là chính sách thông qua chế độ thuế và đầu tư công để tác động tới nền kinh tế.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ trọng yếu giữ vai trò quyết định trong việc quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Chính sách tài khóa là các quan điểm, cơ chế và phương thức huy động các nguồn hình thành ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính có tính chất tập trung của Nhà nước để chi và sử dụng các khoản chi của ngân sách nhà nước theo kế hoạch từng năm tài chính. Chính sách tiền tệ là việc thực hiện các biện pháp, sử dụng các công cụ của Ngân hàng Nhà nước nhằm góp phần đạt được mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô thông qua việc chi phối dòng chu chuyển tiền và khối lượng tiền.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa tại Việt Nam, kinh nghiệm một số nước trên thế giới.
  • Chính sách tiền tệ và mục tiêu kiểm soát lạm phát ở Việt Nam.
  • Dự báo lạm phát dựa trên những thông tin về chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

4. Sản phẩm tài chính phái sinh, thị trường tài chính phái sinh

label icon 3 Khái niệm:

Sản phẩm tài chính phái sinh là công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều tài sản cơ sở. Các loại sản phẩm tài chính phái sinh bao gồm 4 loại chính: hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi.

Các tài sản cơ sở có thể chia làm 2 loại: Hàng hóa (Thực phẩm/nông sản, Kim loại, Năng lượng, thời tiết, kết quả bầu cử,…)  và Công cụ tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, tiền tệ, chứng khoán phái sinh,…). Chứng khoán phái sinh cũng có thể làm tài sản cơ sở.

Các sản phẩm phái sinh là sản phẩm tất yếu của thị trường tài chính phát triển do chúng có những ưu điểm mà các sản phẩm truyền thống không có, đó là: Rào chắn rủi ro liên quan đến biến động giá của tài sản, lợi dụng sự biến động về giá của tài sản cơ sở để thu về lợi nhuận ngắn hạn, tận dụng sự chênh lệnh giá giữa các CKPS để thu về lợi nhuận phi rủi ro.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

Các hướng nghiên cứu tổng quan, cơ bản:

  • Các lý thuyết cơ bản về CKPS.
  • Tìm hiểu về sự phát triển của CKPS trên thị trường tài chính và kinh nghiệm phát triển CKPS ở một số quốc gia.
  • Phân tích, đánh giá thực trạng của các sản phẩm tài chính phái sinh, việc sử dụng sản phẩm tài chính phái sinh ở Việt Nam
  • Điều kiện phát triển CKPS ở Việt Nam cũng như các rào cản, hạn chế
  • Đề xuất các giải pháp, lộ trình xây dựng và phát triển thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

Các hướng nghiên cứu mở rộng hoặc chuyên sâu:

  • Quản trị rủi ro (rủi ro tín dụng, rủi ro biến động giá tài sản) thông qua các công cụ tài chính phái sinh. Có thể thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu về một tài sản cơ sở nào đó (nông sản, ngoại tệ, trái phiếu, cổ phiếu), hoặc nghiên cứu về quản trị rủi ro tại một ngân hàng cụ thể thông qua việc sử dụng chứng khoán phái sinh. Ví dụ: Sử dụng các công cụ phái sinh tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại NHTM CP Ngoại thương Việt Nam.
  • Giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh
  • Các rào cản trong việc sử dụng sản phẩm phái sinh, có thể thực hiện khảo sát đối với các doanh nghiệp để tìm ra các yếu tố khiến cho thị trường CKPS tại Việt Nam chưa phát triển so với các thị trường tài chính khác
  • Định giá các công cụ chứng khoán phái sinh

5. Quản trị rủi ro tài chính

label icon 3 Khái niệm:

Về định tính: rủi ro là sự không chắc chắn (uncertainty) hay một tình trạng bất ổn. Về định lượng: rủi ro là sự khác biệt giữa giá trị thực tế và giá trị kì vọng, được đo bằng độ lệch chuẩn. Tóm lại, mọi yếu tố làm cho lợi nhuận thay đổi so với dự tính dù là tăng hay giảm đều coi là rủi ro tài chính.

Rủi ro được phân loại thành 3 loại chính, đó là: Rủi ro phi hệ thống (Systematic risk): Rủi ro liên quan đến toàn bộ thị trường hay toàn bộ nền kinh tế; Rủi ro tài chính (Financial risk): Rủi ro liên quan đến những thay đổi của những nhân tố như lãi suất, tín dụng và tỷ giá, Rủi ro đòn bẩy tài chính của DN; Rủi ro kinh doanh (Business risk): Rủi ro liên quan đến một hoạt động đặc trưng của doanh nghiệp.

Quản trị rủi ro là xác định mức độ rủi ro mà công ty mong muốn, nhận diện mức độ rủi ro hiện nay mà công ty phải gánh chịu. Sau đó sử dụng các công cụ phái sinh hay các công cụ tài chính khác để điều chỉnh mức độ rủi ro mong muốn (phù hợp nhất với mục tiêu đầu tư).

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Quản trị rủi ro tài chính là một vấn đề đã được đề cập nhiều trong giới khoa học ở Việt Nam nhưng việc nhận thức tầm quan trọng của nó vẫn còn rất sơ sài trong các doanh nghiệp. Theo Thông tư 210/2009/TT-BTC yêu cầu doanh nghiệp niêm yết từ năm 2011 phải công bố thuyết minh báo cáo về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, số lượng doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc theo quy định vẫn còn rất hạn chế. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, việc đưa ra những quyết định quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu những tổn thất tiềm ẩn là cần thiết.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Thực trạng quản lý rủi ro tài chính và mức độ rủi ro tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
  • Tác động của QTRR tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hay 1 nhóm doanh nghiệp thông qua các chỉ số hoạt động và tỉ số tài chính, từ đó đưa ra các chính sách QTRR hiệu quả hơn.
  • Nghiên cứu các mô hình quản trị rủi ro, tính khả thi và hiệu quả đạt được
  • Kinh nghiệm QTRRTC từ các doanh nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

6. Mua bán và định giá doanh nghiệp

label icon 3 Khái niệm:

M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh: Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Trong vòng 5 năm qua, hoạt động M&A đang gia tăng nhanh chóng vể cả mặt giá trị và số lượng ở Việt Nam. Hoạt động M&A đang diến ra ở rất nhiều ngành kinh doanh như sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm, thức uống và ngân hàng, … Tuy nhiên các nghiên cứu về đánh giá các thương vụ hợp nhất này hay các biện pháp chống sát nhập và mua lại vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Đánh giá hiệu quả các thương vụ hợp nhất (trong lĩnh vực ngân hàng, thực phẩm, ,..).
  • Thâu tóm và chống thâm tóm, một số kinh nghiệm của các công ty cùng ngành trong lĩnh vực trên thế giới.

7. Ngân hàng – Tài chính xanh

label icon 3 Khái niệm:

“Ngân hàng xanh” được hiểu theo nghĩa rộng là Ngân hàng bền vững, trong một ngân hàng để phát triển bền vững thì các quyết định đầu tư cần nhìn vào bức tranh lớn và hành động một cách có lợi cho người tiêu dùng, kinh tế, xã hội và môi trường. Khi đó, có một mối quan hệ mật thiết giữa ngân hàng với các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường. Ngân hàng chỉ có thể phát triển bền vững nếu đặt các lợi ích của NH gắn liền với các lợi ích của xã hội, môi trường. Cách hiểu thứ hai, theo nghĩa hẹp, “Ngân hàng xanh” chỉ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải cacbon, ví dụ như khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ xanh; áp dụng tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay hay cấp tín dụng ưu đãi cho dự án giảm CO2, năng lượng tái tạo. Như vậy, Ngân hàng xanh là ngân hàng khi cung cấp các dịch vụ có gắn với các cam kết về môi trường hoặc đầu tư cho vay sản xuất xanh, sạch.

“Tài chính xanh” chỉ việc tài trợ cho công nghệ, dự án, ngành sản xuất hay DN định hướng thân thiện môi trường. Ngân hàng –Tài chính xanh nằm trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, tăng trưởng xanh đã được dư luận và các nhà phân tích chính sách chú ý nhiều hơn bởi tăng trưởng xanh hứa hẹn giải quyết đồng thời những vấn đề khí hậu và tăng trưởng. Uỷ ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) đã định nghĩa: “Tăng trưởng xanh là chiến lược tìm kiếm sự tối đa hoá trong sản lượng kinh tế và tối thiểu hoá gánh nặng sinh thái. Tăng trưởng xanh là cách tiếp cận mới tìm kiếm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và tính bền vững môi trường bằng việc thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng xã hội”. Trong mô hình tăng trưởng xanh mà cả các quốc gia phát triển và đang phát triển theo đuổi, ngân hàng xanh với việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng và tài chính xanh đang ngày càng có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công của mô hình tăng trưởng xanh vì ngành ngân hàng có tác động liên ngành, tổng hợp đến tất cả các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam: các tiêu chí, đề án, lộ trình phù hợp.
  • Hợp tác quốc tế trong phát triển ngân hàng xanh.
  • Phát triển ngân hàng trực tuyến và các tài khoản thanh toán xanh.
  • Các tiêu chuẩn xanh trong thẩm định vay vốn.
  • Hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh.
  • Giải pháp thực hiện công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
  • Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn.
  • Xây dựng bộ công cụ để đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để các ngân hàng thương mại có thể áp dụng.
  • Thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thì trường vốn

8. Xây dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

label icon 3 Khái niệm:

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp. Đây là các yếu tố nội hàm của mỗi doanh nghiệp, không chỉ được tính bằng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị doanh nghiệp… một cách riêng biệt mà cần đánh giá, so sánh với các đối tác cạnh tranh trong hoạt động trên cùng một lĩnh vực, cùng một thị trường. Sẽ là vô nghĩa nếu những điểm mạnh và điểm yếu bên trong doanh nghiệp được đánh giá không thông qua việc so sánh một cách tương ứng với các đối tác cạnh tranh. Trên cơ sở các so sánh đó, muốn tạo nên năng lực cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo lập được lợi thế so sánh với đối tác của mình. Nhờ lợi thế này, doanh nghiệp có thể thoả mãn tốt hơn các đòi hỏi của khách hàng mục tiêu cũng như lôi kéo được khách hàng của đối tác cạnh tranh.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới sâu rộng hơn. Các liên kết kinh tế đa tầng nấc này với luật chơi mới và mức độ mở cửa thị trường sâu rộng vừa tạo ra không gian phát triển mới, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Các nhân tố tác động tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
  • Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
  • Cải thiện cơ chế quản lý nhà nước và hệ thống luật pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

9. Thị trường chứng khoán

label icon 3 Khái niệm:

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành (tại Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp hoặc ngân hàng). Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các hình thức như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.

Thị trường chứng khoán: Trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, thị trường chứng khoán được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán trung và dài hạn. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở những thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp. Như vậy, xét về mặt hình thức, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi các chủ thể nắm giữ chứng khoán.

label icon 3 Sự cần thiết của nghiên cứu:

Thị trường chứng khóan của Việt Nam đã hoạt động được hơn một thập kỷ. Tuy đã phần nào đạt được những thành tựu to lớn và thực hiện được những vai trò nhất định cho nên kinh tế nhưng thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn không tránh khỏi những hạn chế của một thị trường non trẻ. Chính những hạn chế đó, cùng với sự đa dạng, phức tạp và đa chiều của thị trường chứng khoán là một mảnh đất màu mỡ cho những đề tài nghiên cứu khoa học.

label icon 3 Các hướng nghiên cứu chủ đạo:

  • Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
  • Hành vi trên thị trường chứng khoán, góc nhìn tài chính hành vi và tâm lý bầy đàn.
  • Lí thuyết bất cân xứng thông tin và lí thuyết thị trường hiệu quả trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Tác động của các biến số vi mô và vĩ mô lên thị trường chứng khoán.
  • Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp trên TTCK.
  • Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.
  • Tác động của chính sách cổ tức tới giá thị trường của công ty niêm yết.
  • Ảnh hưởng của các đặc điểm riêng đến hiệu quả kinh doanh của công ty niêm yết.
  • Giải pháp phát triển và hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán.

<< CÒN 1 NGÀY >> DỰ ÁN RCES COMPANION MÙA THỨ 2  TUYỂN NEWBIE (Hạn đăng kí: 22/11/2015)

Trung Kiên – Minh Phương – Vũ Đức – Nguyên Hạnh – Thùy Linh

(Các RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa thứ 2)