Là một trong những định chế tài chính đặc biệt và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, ngân hàng là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu. Đặc biệt, với ứng dụng của công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, lĩnh vực này đang phát triển với sự thay đổi lớn trên toàn thế giới và mở ra rất nhiều đề tài nghiên cứu cho những nhóm nghiên cứu sinh viên. Bạn quan tâm và yêu thích lĩnh vực này và muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ngân hàng? Hãy cùng xem một số hướng nghiên cứu trong lĩnh vực này được các RCESer giới thiệu nhé!
1. Tái cấu trúc ngân hàng
Khái niệm:
Tái cấu trúc ngân hàng bao gồm các biện pháp được phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hệ thống thanh toán quốc gia và khả năng tiếp cận các dịch vụ tín dụng, đồng thời xử lý các vấn đề còn tồn tại trong hệ thống tài chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng.
Sự cần thiết của nghiên cứu:
Sự “bùng nổ” hoạt động cả về quy mô và mức độ đa dạng của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua đã tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ lớn tác động trực tiếp đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng thương mại. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất buộc Việt Nam phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nói riêng, cơ cấu lại hệ thống tài chính nói chung nhằm ngăn chặn rủi ro hệ thống trước khi sự đổ vỡ của một tổ chức tài chính có thể kéo theo sự đổ vỡ của cả hệ thống như bài học từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính quốc tế đã xảy ra.
Một số hướng nghiên cứu về tái cấu trúc ngân hàng:
- Vai trò của Ngân hàng trung ương đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
- Tác động của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế vĩ mô.
- Kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
- Thực trạng Sở hữu chéo / Nợ xấu / Khả năng thanh khoản / Rủi ro đạo đức trong hệ thống các NHTM Việt Nam và giải pháp.
- Mối quan hệ giữa Ngân hàng – Chính phủ – Doanh nghiệp nhà nước đặt trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
- Vai trò của một số tổ chức đặc biệt trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ví dụ: Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi, vai trò của VAMC, …
- Cải thiện niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng.
Cải thiện năng lực quản trị điều hành của các Ngân hàng thương mại. - Giải pháp Tăng vốn tự có của ngân hàng.
- Giải pháp cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
2. Quản trị ngân hàng, quản trị công ty trong ngân hàng
Khái niệm:
Quản trị công ty (QTCT) là những biện pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty, liên quan tới các mối quan hệ giữa ban giám đốc, hội đồng quản trị (HĐQT) và các cổ đông của một công ty với các bên có quyền lợi liên quan. QTCT cũng tạo ra một cơ cấu để đề ra các mục tiêu của công ty, và xác định các phương tiện để đạt được những mục tiêu đó, cũng như để giám sát kết quả hoạt động của công ty. QTCT chỉ được cho là có hiệu quả khi khích lệ được Ban giám đốc và HĐQT theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của công ty và của các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của công ty một cách hiệu quả, từ đó khuyến khích công ty sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn
Sự cần thiết của nghiên cứu:
Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường và đặc biệt là kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, vấn đề quản trị doanh nghiệp đã được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Quản trị doanh nghiệp tốt đồng nghĩa với khả năng tiếp cận tài chính, đầu tư, nâng cao giá trị tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại với đặc thù là các tổ chức kinh doanh “tiền”, có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn thì vấn đề quản trị lại càng có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, ngân hàng là nguồn tài chính bên ngoài có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Một ngân hàng yếu kém trong quản trị sẽ không chỉ gây tổn thất cho chính ngân hàng đó, mà còn tạo nên những rủi ro nhất định mang tính dây chuyền cho các đơn vị khác và ngược lại. Rõ ràng, khả năng chống đỡ của ngân hàng càng cao, khả năng hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp sẽ càng lớn. Thời gian tới, khi hàng loạt các ngân hàng ngoại sẽ ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam, chắc chắn những đòi hỏi về công tác quản trị ngân hàng sẽ càng gay gắt hơn đối với ngân hàng nội.
Một số hướng nghiên cứu:
- Giải quyết các vấn đề về quản trị công ty trong ngân hàng.
- Xây dựng các chỉ số đánh giá quản trị công ty trong ngân hàng.
- Đánh giá tác động của quản trị công ty trong ngân hàng ở Việt Nam.
3. Chất lượng dịch vụ ngân hàng
Khái niệm:
Theo quan điểm hướng về khách hàng, chất lượng dịch đồng nghĩa với việc đáp ứng mong đợi của khách hàng, thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Do vậy, chất lượng được xác định bởi khách hàng, như khách hàng mong muốn. Do nhu cầu của khách hàng thì đa dạng, cho nên chất lượng cũng sẽ có nhiều cấp độ tuỳ theo đối tượng khách hàng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng về chất lượng dịch vụ ngân hàng thường bao gồm: Thái độ nhân viên, sự tin cậy, độ bảo mật, khả năng đáp ứng. Chất lượng dịch vụ ngân hàng tác động tới: yếu tố chi phí sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp, sự hài lòng của khách hàng, sự trung thành của khách hàng, hay sự truyền miệng tích cực từ khách hàng.
Sự cần thiết của nghiên cứu:
Đối với dịch vụ ngân hàng tài chính, đặc biệt là dịch vụ bán lẻ, các ngân hàng Việt Nam đã và đang củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng chất lượng dịch vụ như một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu để từ đó hình thành nên nền tảng, phát triển vững chắc và chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, các kết quả nghiên cứu về đề tài này sẽ đóng góp vào nguồn tham khảo hữu ích cho những người làm công tác quản trị và marketing trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đưa ra cách chính sách để cải thiện chất lượng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một số hướng nghiên cứu:
- Các yếu tố tác động tới chất lượng dịch vụ ngân hàng tại 1 ngân hàng hay 1 nhóm ngân hàng
- Nghiên cứu các mô hình đánh giá chất lượng dịch vụ ngân hàng
- Đánh giá tác động của chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử/dịch vụ thẻ/chất lượng tín dụng… tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
- Phát triển chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân.
4. Ngân hàng điện tử
Khái niệm
Dịch vụ ngân hàng điện tử (E-banking) là một công cụ tiện ích cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bán lẻ mới lẫn truyền thống của ngân hàng thông qua các phương tiện điện tử và các kênh truyền thông tương tác khác, bao gồm: tiến hành giao dịch ngân hàng, kiểm tra tài khoản, thanh toán các hóa đơn điện tử, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thanh toán điện tử khác như tiền điện tử, …
Sự cần thiết của nghiên cứu:
Trong xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ mạnh mẽ như hiện nay, dịch vụ Ngân hàng điện tử là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ khách hàng. Nhờ sự tiện ích của E-banking, các ngân hàng nâng cao sự hài lòng của khách hàng và gia tăng độ trung thành của người dùng, đồng thời gia tăng thu nhập cũng như giảm bớt chi phí hoạt động. Tuy nhiên, mặc dù đã triển khai từ rất sớm nhưng hiện nay quy mô của E-banking vẫn còn rất hạn chế. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về E-banking cũng rất ít thấy hoặc chỉ xoay quanh một số chủ đề nhất định. Do đó, nghiên cứu về hướng đề tài này sẽ đóng góp vào hướng phát triển cho ngân hàng trong thời gian tới.
Một số hướng nghiên cứu:
- Đánh giá xu hướng phát triển của E-banking trong thời gian qua.
- Đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngân hàng điện tử thông qua khảo sát và/hoặc chỉ số tài chính của ngân hàng, từ đó đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Nghiên cứu về các sản phẩm ngân hàng điện tử mới hay nghiên cứu xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, …
5. Mua bán và sáp nhập ngân hàng
Khái niệm:
M&A được viết tắt bởi hai từ tiếng Anh: Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Sáp nhập là hình thức kết hợp mà hai công ty thường có cùng quy mô, thống nhất gộp chung cổ phần. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới. Mua lại là hình thức kết hợp mà một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác, đặt mình vào vị trí chủ sở hữu mới. Tuy nhiên thương vụ này không làm ra đời một pháp nhân mới.
Sự cần thiết của nghiên cứu:
Vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng là một vấn đề vô cùng cần thiết và được xã hội dành rất nhiều sự quan tâm. Một trong những giải pháp quan trọng cho vấn đề này chính là M&A các ngân hàng, góp một phần lớn trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đồng thời, M&A cũng là một lời giải cho các ngân hàng thương mại Việt Nam muốn tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước khuynh hướng hội nhập và chủ trương hoàn thiện hệ thống ngân hàng Việt Nam, M&A là một xu thế tất yếu.
Một số hướng nghiên cứu:
- Động cơ của M&A ngân hàng.
- Lợi ích và hạn chế của M&A ngân hàng.
- Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động M&A ngân hàng.
- Kinh nghiệm từ các thương vụ M&A ngân hàng trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
- Thực trạng hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam và giải pháp.
- Định giá trong thương vụ M&A.
- Vấn đề minh bạch thông tin trong M&A.
- Vai trò của các tổ chức môi giới, tư vấn trong các thương vụ M&A.
- Hoàn thiên khung pháp luật tại Việt Nam cho M&A.
- Vấn đề hậu sáp nhập sau mỗi thương vụ M&A.
- Thương hiệu và các chiến lược thương hiệu cơ bản cho các ngân hàng sau mỗi thương vụ M&A.
- Giá trị cộng hưởng sau các thương vụ M&A.
Trung Kiên – Minh Phương – Vũ Đức – Nguyên Hạnh – Thùy Linh
(Các RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa thứ 2)