Là một trong những khoa có hoạt động NCKH sinh viên sôi nổi nhất trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, các nhóm nghiên cứu sinh viên tham gia nghiên cứu tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế có thể nghiên cứu nhiều đề tài có tính thời sự và thực tiễn. Đặc biệt khi sự hội nhập đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế đang có rất nhiều chủ đề hay để nghiên cứu. Bài viết giới thiệu một số hướng nghiên cứu tại khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế do các RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa đầu tiên thực hiện.
Mục lục
Các hiệp định thương mại tự do và các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu
Trong bối cảnh số lượng các FTA song phương và đa phương ngày càng gia tăng, đây là một hướng nghiên cứu đang được nhiều người nghiên cứu quan tâm. Với hướng này, sinh viên có thể khai thác ở việc đánh giá tác động của các FTA (ví dụ AEC, TPP, RCEP,..). Phương pháp tiếp cận chủ yếu có thể bằng những phân tích định tính hoặc sử dụng mô hình kinh tế lượng. Các mô hình được sử dụng rộng rãi bao gồm mô hình SMART và CGE (tác động tiềm năng), Gravity (đối với những FTA đã ký kết). Sinh viên tiếp cận hướng nghiên cứu này nên đánh giá tác động của các FTA tới một ngành hẹp cụ thể vì việc đánh giá tác động lên nền kinh tế tương đối phức tạp và công phu, sinh viên rất khó để thực hiện được.
Các vấn đề hội nhập hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Việt Nam là một trong những nước được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, đây là một hướng nghiên cứu mới đặc biệt có ý nghĩa giúp Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc hoạch định chính sách nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động thương mại, đầu tư. Sinh viên có thể tiếp cận qua các vấn đề như đánh giá tác động môi trường của thương mại, tự do hóa thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài,… Ngoài ra, có thể nghiên cứu tiềm năng phát triển thương mại hàng hóa thân thiện với môi trường hoặc khí hậu (environmental friendly goods). Một chủ đề khác trong lĩnh vực này là Phát triển và tăng trưởng xanh, bền vững; Đánh giá và lượng giá tác động biến đổi khí hậu; thị trường Carbon; năng lượng mới và tái tạo, …
Kinh tế các nước và kinh tế khu vực
Sinh viên quan tâm đến hướng nghiên cứu này có thể nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến nợ nước ngoài, nợ công, khủng hoảng nợ, những vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động, kinh nghiệm thu hút ODA của các nước, phát triển bền vững, kinh tế cho các nước đang phát triển, …
Các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại
Với hướng nghiên cứu này, sinh viên có thể đi sâu tìm hiểu về các hàng rào phi thuế quan mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào từng thị trường có thể gặp phải. Đây là đề tài đã khá phổ biến và từng được nhiều sinh viên thực hiện thành công, vì vậy nếu thực hiện đề tài theo hướng này, sinh viên phải thể hiện tính mới rất rõ, nếu không kết quả nghiên cứu dễ bị nhạt nhòa và không được đánh giá cao.
Các vấn đề về kinh doanh quốc tế
Với hướng này, sinh viên có thể nghiên cứu các vấn đề như mạng sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, liên kết khu vực và toàn cầu; các công ty xuyên quốc gia và các vấn đề về: mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, mạng lưới R&D, cấu trúc và tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, quản trị thương hiệu, thương mại điện tử, FDI, Quản trị chuỗi cung ứng và mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng cở sở dữ liệu tích hợp liên ngành dài hạn đa mục đích phục vụ đánh giá biến động kinh tế – xã hội – môi trường và phục vụ cho việc xây dựng hoạch định chính sách kinh tế – xã hội.
Những điểm mới trong chu chuyển vốn đầu tư quốc tế
Đây cũng là hướng mới mà các nhóm nghiên cứu sinh viên tham gia hoạt động NCKH tại khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã thực hiện trong một vài năm gần đây. Với hướng này, sinh viên có thể nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lưu chuyển vốn đầu tư quốc tế trong những lĩnh vực thời sự như giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; quốc tế hoá giáo dục; tài chính cho giáo dục; doanh nghiệp xã hội; đầu tư xã hội; trao quyền phụ nữ; dịch vụ công; chống biến đổi khí hậu, …
Các mô hình tăng trưởng
Với hướng này, sinh viên sẽ nghiên cứu về các mô hình tăng trưởng và vấn đề lựa chọn mô hình tăng trưởng ở Việt Nam trong các lĩnh vực như Xuất nhập khẩu, FDI tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, …
Chúc các nhóm nghiên cứu có một mùa NCKH thành công!
Vũ Trung – Thiên Duyên (RCESer tham gia dự án RCES Companion mùa đầu tiên)