Tiếp nối 2 phần đầu trong loạt bài đặc biệt với chủ đề báo cáo và bảo vệ công trình nghiên cứu, trong phần 3 này, Cộng đồng RCES sẽ đưa ra một số TIPS để thuyết trình ấn tượng và “làm khác biệt” công trình nghiên cứu nhằm giúp bạn có phần báo cáo thật tốt trước các vị khám giảm khó tính của Hội đồng phản biện. Chuẩn bị ngay trước giờ G nào!
#1: Giới thiệu “nhanh nhẹn” và không quá dài dòng
Tưởng chừng đây là điều ai cũng biết nhưng không phải nhóm nghiên cứu nào cũng áp dụng được. Bạn hãy chú ý giới thiệu nhóm nghiên cứu nhanh nhẹn và tránh dài dòng nhé! Thời gian báo cáo rất hạn chế (từ 10 – 15 phút), vì vậy hãy sử dụng thời gian thật hữu ích để không ảnh hưởng đến phần sau.
#2: “Lấy đà từ những lời đầu tiên”
Ngay khi giới thiệu xong, thông thường các nhóm sẽ trình bày tính cấp thiết của đề tài/lí do chọn đề tài. Đây cũng chính là nội dung cực kì quan trọng trong bài báo cáo, vì vậy bạn cần chuẩn bị thật kĩ để lựa chọn những ý tốt nhất để trình bày. Khi trình bày phần này, slide nên hạn chế chữ và nên có hình ảnh để Hội đồng dễ liên tưởng đến vấn đề được đề cập. Nếu phần này nhóm nghiên cứu thể hiện được điểm nhấn và thu hút được sự chú ý của giám khảo, chắc chắn các phần sau sẽ có lợi thế hơn các nhóm khác rất nhiều, “đầu xuôi” thì “đuôi lọt” mà!
#3: Sơ đồ hóa bằng hình vẽ và tăng cường sử dụng hình ảnh.
Hãy tưởng tượng rằng ngay trước mắt giám khảo là công trình nghiên cứu của bạn với rất nhiều chữ nhỏ, và nếu ngẩng đầu lên tiếp tục là chữ dày đặc thì sẽ như thế nào, nhất là khi các giám khảo phải làm việc liên tục với rất nhiều công trình. Vì vậy, nếu có thể, hãy cố gắng sơ đồ hóa bằng hình vẽ và tăng cường sử dụng hình ảnh. Điều này giúp slide trình bày “dễ chịu hơn”, và đặc biệt hình ảnh giúp người nghe liên tưởng nhanh và tốt hơn. Nếu thực hiện được điều này, chắc chắn bài báo cáo sẽ được đánh giá cao hơn với 1 bài khác slide “chi chít chữ” mặc dù hàm lượng khoa học của 2 bài được đánh giá tương đương.
#4: “Turn on your voice”
Hãy cố gắng kiểm soát giọng nói của bạn để giọng nói không quá to, không quá nhỏ để vừa đủ nghe và đặc biệt là không nên đều đều. Một giọng đều đều “rất dễ khiến các giám khảo đi vào cơn buồn ngủ”. Vì vậy, trong từng lời nói, hãy cố gắng thật nhiệt huyết, nhiều năng lượng để thu hút sự chú ý của giám khảo.
#5: Lựa chọn người báo cáo phù hợp
Nếu không có yêu cầu bắt buộc về số thành viên phải báo cáo, hãy lựa chọn những thành viên “tối ưu”. Ví dụ như giọng nói được trình bày ở trên cũng là 1 yếu tố rất quan trọng. Có những thành viên chuyên môn tốt nhưng thuyết trình không thực sự tốt thì có thể chuẩn bị cho phần phản biện ở phía sau chẳng hạn. Một lưu ý nhỏ: Thông thường các nhóm thường thuyết trình 1 người hoặc thuyết trình từng phần, để tạo nên sự khác biệt, bạn và 1 thành viên khác trong nhóm có thể thuyết trình đôi 2 người cùng lúc để tạo nên sự hấp dẫn khi báo cáo công trình. Lưu ý với cách này, sự chuẩn bị được yêu cầu cao hơn hẳn so với các hình thức trên vì 2 người phải tương tác với nhau liên tục trong quá trình báo cáo.
Sinh viên ĐHKT báo cáo công trình nghiên cứu (Nguồn: ueb.vnu.edu.vn)
#6: Nhấn mạnh vào những gì “thực tiễn” ở công trình nghiên cứu
Các giám khảo trong nhiều Hội đồng NCKH hiện nay thường đánh giá rất cao những công trình mang tính thực tiễn cao, có thể đóng góp vào thực tiễn. Vì vậy, nếu công trình của bạn mang đậm tính thực tiễn, thì đây chính là điều cần làm nổi bật để thu hút các giám khảo. Nội dung này được thể hiện tốt nhất trong phần khuyến nghị, sau khi đã có kết quả nghiên cứu.
#7: Không chỉ không quá, mà còn kết thúc trước thời gian cho phép
Việc báo cáo quá giờ sẽ là một điểm trừ của bài báo cáo. Nếu điều này xảy ra, rất có thể bạn còn chưa thể trình bày được những phần quan trọng ở phía sau. Vì vậy, việc tập quản lí thời gian là điều cần hết sức lưu ý. Khi làm việc với hàng loạt công trình liên tục, các giám khảo thường có xu hướng không muốn nghe nhiều càng ở phần sau bởi lúc này các giám khảo đã “thấm mệt”. Vì vậy, nếu thứ tự báo cáo của nhóm bạn ở phía sau, tốt hơn hết các bạn nên kết thúc phần báo cáo trước thời gian cho phép để thể hiện sự quản lí tốt thời gian của nhóm, cũng như không để Hội đồng mệt quá thêm nữa.
#8: Tự tin với phong thái thuyết trình
Hãy chuẩn bị thật kĩ lưỡng và tự tin khi báo cáo. Bạn không được quá run trước Hội đồng vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến bài báo cáo mà còn có thể ảnh hưởng tới thời gian của thành viên báo cáo tiếp theo trong nhóm. Nếu như các công trình có chất lượng ngang nhau, sự tự tin và phong thái tốt sẽ là điểm cộng của bài nghiên cứu.
Trong phần tiếp theo của loạt bài đặc biệt số 09, Cộng đồng RCES sẽ lưu ý một số nôi dung hữu ích liên quan đến việc bảo vệ công trình nghiên cứu trước Hội đồng giám khảo. Đây sẽ là nội dung chiếm 50% thành công còn lại trong một buổi báo cáo và bảo vệ công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo trong loạt bài này vào 20h hàng ngày trên fanpage của Cộng đồng RCES, bắt đầu từ 11/04 bạn nhé!