Quy định về hoạt động NCKHSV tại trường Đại học Kinh tế

1. Mục đích nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học của sinh viên là hoạt động quan trọng và cần thiết, gắn liền với hoạt động đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là ở Trường ĐHKT. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm:

− Giúp sinh viên củng cố, tổng hợp, nâng cao kiến thức đã học, làm quen với các phương pháp tư duy và nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để sinh viên đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề cụ thể mà chuyên môn đặt ra.

− Nâng cao chất lượng đào tạo và tự đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ cho đất nước.

− Vận dụng kiến thức đã học và phương pháp nghiên cứu khoa học để giải quyết một số vấn đề khoa học gắn với thực tiễn.

2. Quy định Nghiên cứu khoa học trong Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư Số: 23/2014/TT-BGDĐT

Chắc hẳn trong thời gian gần đây các bạn sinh viên UEB chương trình chất lượng cao đang rất quan tâm đến việc phải tham gia nghiên cứu khoa học ít nhất một lần trong cả khóa học theo Thông tư 23 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để làm rõ hơn ta hãy cùng tìm hiểu quy định này như thế nào nhé.

(các từ viết tắt: CTCLC – Chương trình chất lượng cao; NCKH – Nghiên cứu khoa học; ĐTCLC – Đào tạo chất lượng cao)

Theo Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 07 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014), tại Điều 9. Nghiên cứu khoa học có quy định:

1. Hàng năm, mỗi giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy học phần lý thuyết ngành và chuyên ngành của CTCLC phải có tối thiểu 01 công trình NCKH được công bố hoặc được nghiệm thu có nội dung liên quan đến ngành ĐTCLC.

2. Trong cả khoá học, mỗi sinh viên CTCLC phải được tham gia NCKH theo nhóm nghiên cứu do các giảng viên hướng dẫn hoặc tham gia đề tài NCKH với giảng viên.

3. Hàng năm, giảng viên và sinh viên CTCLC phải có ít nhất 01 đề tài phối hợp nghiên cứu với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất liên quan đến CTCLC.

Như vậy sinh viên chương trình chất lượng cao theo thông tư 23 cần phải tham gia NCKH ít nhất 01 lần trong toàn khóa học (dưới hình thức tham gia NCKHSV, tham gia các đề tài khoa học cùng thầy cô, viết bài báo đăng tạp chí…).

3. Các hình thức hoạt động nghiên cứu khoa học

− Viết bài đăng trên các ấn phẩm nghiên cứu khoa học trong và ngoài Trường (Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh thuộc Tạp chí Khoa học – ĐHQGHN, kỷ yếu hội thảo, nội san nghiên cứu khoa học, tạp chí nghiên cứu khoa học, các báo và tạp chí chuyên ngành).

− Thực hiện các công trình và tham gia xét giải thưởng dự thi nghiên cứu khoa học sinh viên các cấp (Khoa, Trường, Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cấp ĐHQG, Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam…) và các giải thưởng khác trong và ngoài nước.

− Tham gia các nhóm nghiên cứu trong các cuộc thi có nội dung khoa học như: thi tìm hiểu về các lĩnh vực chuyên môn và thực hiện niên luận, khóa luận tốt nghiệp…

− Gia nhập vào các đội nhóm, CLB học thuật và tham gia các hoạt động do các đội nhóm, cộng đồng, CLB sinh viên nghiên cứu khoa học tổ chức.

− Tham gia các đề tài do các thầy cô trong toàn trường thực hiện.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có thể là một phần nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học các cấp do các giảng viên trong Trường hoặc nhà khoa học chủ trì, hoặc là các đề tài nghiên cứu khoa học độc lập do từng sinh viên hoặc một nhóm sinh viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, nghiên cứu sinh và nhà khoa học trong và ngoài Trường.

4. Giải thưởng nghiên cứu khoa học

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là một trong những hoạt động mang tính truyền thống và là thế mạnh của Trường ĐHKT. Liên tục trong nhiều năm liền (từ năm 2009 đến nay), sinh viên Trường ĐHKT đã đạt được nhiều giải thưởng cao của ĐHQGHN (nay đổi thành Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cấp ĐHQG), Bộ Giáo dục và Đào tạo (Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam), Vifotech và Thành đoàn Hà Nội, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn, Giải thưởng Vừ A Dính dành cho sinh viên dân tộc thiểu số đạt giải cấp Bộ… như: Giải nhất Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam các năm 2013, 2011, 2010, 2009; 01 giải nhì và 01 giải ba Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2014…; giải nhất Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc cấp ĐHQG các năm 2013, 2012, 2011; giải ba Giải thưởng Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc dành cho sinh viên cấp ĐHQG năm 2014; giải thưởng Bài báo khoa học của Viện Môi trường Hàn Quốc năm 2015; các giải nhất và nhì giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp ĐHQG các năm 2017, 2018;…

5. Chính sách ưu tiên và khen thưởng

Trường ĐHKT có quy định rõ ràng về giải thưởng dành cho nghiên cứu khoa học của sinh viên. Cùng với Giấy khen của Hiệu trưởng (hoặc Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), sinh viên được tặng thưởng với giá trị bằng tiền (theo Quy chế chi tiêu nội bộ) như sau:

Quy định khen thưởng NCKH UEB

Sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học đạt giải sẽ được cộng điểm thưởng vào điểm trung bình chung học tập năm học và toàn khóa học để làm căn cứ xét học bổng, xét chuyển tiếp vào bậc sau đại học và các quyền lợi khác. Mức điểm thưởng theo Quy chế Đào tạo hiện hành của ĐHQGHN, cụ thể như sau:

label icon 4 Đạt giải thưởng cấp ĐHQG:

Giải Nhất: 0,20 điểm; Giải Nhì: 0,15 điểm; Giải Ba: 0,10 điểm; Giải Khuyến khích: 0,07 điểm

label icon 4 Đạt giải thưởng cấp Trường:

Giải Nhất: 0,10 điểm; Giải Nhì: 0,07 điểm; Giải Ba: 0,05 điểm

label icon 4 Đối với bài báo khoa học đăng ở tạp chí khoa học hoặc tuyển tập công trình hội nghị khoa học (có phản biện):

Cấp Quốc tế: 0,2 điểm; Cấp Quốc gia: 0,15 điểm; Cấp Cơ sở: 0,1 điểm

label icon 4 Mức điểm thưởng cho các thành tích khác về nghiên cứu khoa học do Giám đốc ĐHQGHN xem xét, quyết định cụ thể cho từng trường hợp.

Nếu sinh viên có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học và các thành tích nghiên cứu khoa học khác được tính thưởng thì chỉ được cộng điểm thưởng một lần ở mức thưởng cao nhất.

Trong học kỳ hoặc năm học, nếu sinh viên đạt nhiều giải nghiên cứu khoa học ở các cấp thì được cộng điểm thưởng một lần ở mức giải cao nhất. Sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học sẽ được ưu tiên xét chọn chuyển tiếp vào học cao học của Trường.

Trong suốt khóa học, nếu sinh viên đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học thì chỉ được cộng điểm thưởng một lần ở mức giải cao nhất vào điểm trung bình chung học tập của toàn khóa học.

Nếu công trình do nhiều sinh viên cùng tham gia (mỗi công trình không quá 3 sinh viên) thì điểm thưởng được chia đều cho số người cùng tham gia.

6. Một số văn bản hướng dẫn về hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên

5.1. Văn bản của ĐHQGHN Quyết định số 286/QĐ-ĐHQGHN ngày 16/01/2015 của Giám đốc ĐHQGHN về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ở ĐHQGHN.

5.2. Văn bản của Trường ĐHKT Quyết định số 10/QĐ-ĐHKT ngày 02/01/2014 của Hiệu trưởng Trường ĐHKT – ĐHQGHN về “Quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT” (Chương 3: Quản lý nghiên cứu khoa học sinh viên).

5.3. Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư Số: 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/07/2014 về việc ban hành Quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ Đại học.

5.4. Một số biểu mẫu thường dùng Tham khảo một số biểu mẫu thường dùng trong mục “Mẫu biểu nghiên cứu khoa học sinh viên”

Nguồn: ueb.vnu.edu.vn