Nói thẳng với sinh viên năm cuối

college-graduationSáng ra, mình đến công ty trả lời câu hỏi của các bạn gửi qua tin nhắn, thấy vui vì được làm một công việc ý nghĩa, trong đó có một bạn hỏi rất hay. Bạn này rất trăn trở vì thấy mấy năm ở đại học gần như là lãng phí thời gian, quanh quẩn bên việc học mà chưa tìm được ý nghĩa cuộc đời, định hướng tương lai, xin trích lại tin nhắn mình trả lời bạn, cũng như một thực trạng chung (chứ không phải tất cả) mà mình thấy ở những sinh viên được coi là sắp “thất nghiệp”.

Có những cái bẫy sai lầm mà nhiều bạn gặp phải, đó là không rõ ràng về định hướng tương lai, và quan trọng nhất là thiếu sự chuẩn bị cho tương lai. Bắt đầu ra tết, các bạn đi thực tập, rồi làm đồ án, rồi bảo vệ đồ án. Thông thường tầm tháng 6 sẽ xong. Nếu bạn chưa tính trước về công việc, mà đợi đến khi đó thì đã quá muộn rồi.

Lựa chọn đi học tiếp Thạc sĩ, thông thường có 2 loại, hoặc là xuất sắc đi học, hoặc là một cách khéo léo để tránh đối mặt với thực trạng gọi là “thất nghiệp”. Học cũng chỉ là để phục vụ làm việc, (ngoại trừ nghiên cứu), còn không thì đừng trốn tránh nữa mà cứ đi học hoài.

Cái đáng sợ nhất là sai lầm trong tư tưởng

Một là tư duy mì ăn liền, cái gì cũng muốn ngon ngay, ăn ngay, ăn nhanh, công việc lương cao, không cần trình độ. Khi bạn còn trẻ, bạn chưa có kinh nghiệm thì đương nhiên với một công việc, bạn có thể bị thay thế bất cứ lúc nào, vì thế đừng nói đến chuyện ngay và luôn từ khi mới đi làm.

Hai là định vị nhầm định nghĩa thành công. Thước đo thành công không phải là quyền lực, không phải là những chứng chỉ, không phải là hình thức, mà quan trọng là bạn đã làm được gì. Người ta tin những gì bạn đã làm được, chứ không tin những gì bạn nói.

Ba là lãng phí thời gian. Đây là cái phổ biến nhất. Nhàn cư vi bất thiện, không đi làm đi, ở nhà thì lấy đâu ra mà lương thiện. Hết facebook, cày phim, game, rồi lông bông đi chơi chỗ nọ chỗ kia đã hết nguyên ngày rồi. Thì lấy đâu ra cái thứ gọi là kinh nghiệm. Bảo sao CV ông nào cũng viết rằng em thích đọc sách, yêu việc chơi thể thao. Hóa ra toàn đọc Đô Rê Mon với ngồi luyện cơ tay trên bàn phím.

Còn đây là thư mình trả lời bạn sinh viên hỏi mình.

“Chúc mừng em vì đã làm được điều mà rất nhiều người không làm được, đó là vẫn ảo tưởng về cuộc sống và chưa chịu trách nhiệm 100% cho cuộc đời mình.
Bắt đầu lại từ đầu, bây giờ vẫn là quá sớm với em. Có mấy thứ sau, em cần chuẩn bị tốt, trong 5 năm nữa, chắc chắn em sẽ khác.

1. Sức khỏe

Làm gì cũng phải khỏe, phải ăn ngủ điều độ, ngủ sớm, dậy sớm, sống khoa học. Đừng thấy sinh viên họ thức khuya dậy muộn mà mình cũng làm theo. Thứ hai là phải chịu khó tập thể dục thể thao, cơ thể khỏe thì mới có năng lượng, học cách chăm sóc cho bản thân, đó là điều vô cùng quan trọng

2. Ngoại ngữ

Không có cái học nào bằng cái tự học. Nhưng tự học bây giờ không chỉ là đọc sách, mà phải qua internet. Để làm được điều đó, thì buộc phải có ngoại ngữ. Tiếng Anh là điều chắc chắn, mà tương lai, phải biết cả đến những tiếng phổ biến như Tiếng Trung, tiếng Pháp.

3. Kỹ năng

Cách nhanh nhất là đi làm sẽ có kỹ năng thực tế, va vấp cuộc sống sẽ có kinh nghiệm cuộc đời, còn không thì phải đọc sách. Kỹ năng quản trị, kỹ năng sử dụng thời gian hiệu quả, kỹ năng về IT, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng về làm việc đội nhóm (team building), cái này sinh viên Việt cực kỳ yếu, kỹ năng quản lý tài chính,.. mọi thứ đều quan trọng.

Thành công đến khi nào bản thân mình nói với bố mẹ rằng con tự lập được, và tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, chứ không phải là khoe khoang những gì mình đang có, hay những thứ hiện vật bên ngoài mình đang sở hữu, cũng như những cuộc vui chơi vô bổ hàng đêm để lãng phí tuổi trẻ. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân đầu tiên.

Mong tin tốt lành từ em!”

*********

Bài viết có những quan điểm của tác giả về một thực trạng, chứ không phải là phủ định hay bao trùm điều gì cả, hy vọng mang đến những điều tốt đẹp, không có ý nghĩa đánh giá phán xét ở đây. Vì là nói thẳng nên xin lỗi một số bạn nếu làm bạn chạnh lòng, mong rằng điều đó tốt cho bạn.

 Theo Đỗ Việt Cường