Đó là những lời mà một giáo viên đến từ trường Đại học RMIT đã “hù” các em học sinh của mình trong một bài viết được đăng tải trên trang cá nhân.
Có thể giới trẻ không thích ai đó “dạy bảo” và can thiệp vào những điều họ vốn nghĩ, vốn làm. Ví dụ như những bài viết kêu gọi họ hãy như này như kia, rồi phê phán cách sống, cách học, cách nghĩ của họ đang khá nhan nhản hiện này chắc chắn sẽ khiến họ nhăn mặt. Không phải vì giới trẻ bảo thủ, không học cách tiếp thu – chỉ là họ chưa tìm được sự thuyết phục đủ để thay đổi.
Thế nhưng ngày hôm nay, trên mạng xã hội lại có một bài viết “hù” các bạn sinh viên được chia sẻ khá nhiều và nhận được sự đồng tình gần như tuyệt đối. Đây là những suy nghĩ của một giáo viên hiện đang công tác tư vấn nghề nghiệp tại trường ĐH RMIT có tên Hồ Phụng Hoàng đăng tải trên trang cá nhân của mình.
Bài viết với tiêu đề “Có lẽ cũng phải “hù” các em một chút” của cô giáo này đã “gióng một tiếng chuông chia sẻ với các em những lo âu của mình”, mong rằng nó giúp các sinh viên trong và ngoài RMIT chuẩn bị cho tương lai mình một cách thực tế hơn. Bằng giọng văn sắc sảo cùng những lập luận, so sánh rất thực tế, thuyết phục, cô giáo vừa “hù” được các sinh viên về việc ảo tưởng làm giàu, ảo tưởng về sự phát triển của kinh tế Việt Nam đồng thời khéo léo chỉ ra sự sai lầm của các gia đình bây giờ trong việc giáo dục con cái.
Những suy nghĩ của cô giáo đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình cũng như chia sẻ khá lớn từ các bạn trẻ. Chúng tôi xin phép được trích dẫn nguyên văn bài viết của cô giáo này:
Những bình luận đồng tình của các bạn trẻ sau khi đọc được bài viết này.
Có lẽ cũng phải “hù” các em một chút
Không biết có phải càng lớn tuổi càng khó tính hay không, mà sao dạo này tôi hay lo đứng lo ngồi cho sinh viên của mình (trong RMIT) và không phải của mình (ngoài RMIT) lắm. Bản thân tôi không thích phê bình hay xoáy vào những điểm còn yếu của thế hệ trẻ hơn vì tôi quan điểm rằng chê bai không giúp được gì các em mà chỉ làm họ nản lòng, thoái chí. Nhưng những quan sát gần đây làm tôi lo quá, nên quyết định gióng một tiếng chuông chia sẻ với các em những lo âu của mình. Mong rằng sự ‘hù doạ’ này giúp các em chút nào trong việc chuẩn bị cho tương lai mình một cách thực tế hơn.
1. Ảo tưởng làm giàu
Tôi tin chắc ai chịu khó đọc tin tức hay lướt web đều đồng ý rằng gần đây những khoá học về làm giàu tại Việt Nam khá thịnh hành. Đi kèm là những thông tin, câu chuyện trên báo đài về sự thành công của nhà khởi nghiệp trẻ này, nhà khởi nghiệp trẻ khác, vv.
Điều đáng tiếc là nếu dễ dàng tin vào những khoá học ấy, hoặc muốn lập tức theo gương các bạn trẻ với những câu chuyện khởi nghiệp ấy, các em dễ sa lầy vào những mong muốn gần với ảo tưởng, xa rời thực tế, để rồi dễ nản lòng thoái chí đến nỗi không chịu sống một đời sống thực tế sau này.
Đằng sau những câu chuyện thành công nổi bật tại Việt Nam luôn thấp thoáng bóng dáng một gia đình vững chãi từ tài chính, kiến thức, kinh nghiệm, cho đến mạng lưới chuyên nghiệp. Hãy làm cuộc nghiên cứu bỏ túi đi, các em sẽ thấy những câu chuyện trên báo đài chỉ nói lên phần nổi của sự thành công, mà không hề nói đến những yếu tố quan trọng nhất giúp các bạn trẻ ấy: đó là gia đình của họ. Gia đình đầu tư cho con cái từ những ngày còn bé, trong việc học, trong việc đào tạo, chuẩn bị cho các em rất nhiều thứ cần thiết cho con đường khởi nghiệp của họ. Đừng bao giờ nghĩ rằng “người ấy tự thành công một mình, không cần gia đình họ.” Đó là câu nói ngây thơ vì không có gia đình hỗ trợ trong giáo dục từ nhỏ, chi tiêu hàng ngày trong thời gian mới ra đời, cho đến mạng lưới quan hệ sau này, sự thành công trong kinh doanh của một bạn trẻ tại một nơi mà tất cả đều dựa vào sự quen biết như Việt Nam là điều không tưởng.
Vậy nên, ngừng đọc báo, ngừng share facebook những mẩu chuyện ấy với các lời comments chanh chua hay cảm phục. Thay vào đó, hãy nhìn quanh mình để tìm những câu chuyện thành công gần với hiện trạng của mình nhất, học hỏi từ họ, tìm tòi những yếu tố nào giúp họ đến được ngày hôm nay. Các em sẽ thấy một công thức khá đơn giản: chịu khó làm việc (chịu khó làm chứ không phải chịu khó tưởng tượng đâu nhé), luôn học hỏi, khiêm tốn, thực tế, đi chậm, lựa cơm gắp mắm, không ảo tưởng.
Đó có thể đơn giản là một người con trai từ ngoại tỉnh về thành phố học, tốt nghiệp, lăn lộn đi làm chừng 7, 8 năm trong một công ty nhỏ, bên ngoài làm thêm công việc phục vụ quán cà phê, để từ từ thuê mặt bằng mở một quán nhỏ lề đường với thu nhập đủ nuôi mình và gia đình nhưng vẫn không nghỉ công việc toàn phần ở công ty nhỏ kia. Đó có thể là một người con gái vượt khó ráng tốt nghiệp lớp 12 bằng bổ túc văn hoá, thi trầy trật vào được một chương trình đại học của một đại học loại khá, vừa đi dạy thêm vừa đi học để tự lo cho bản thân, chầm chậm chịu khó trau giồi kiến thức, kỹ năng, để rồi khi ra trường từ từ tìm được một công việc toàn phần ở công ty hạng trung, nhưng không bỏ công việc dạy thêm hàng đêm để thêm thu nhập.
Hai câu chuyện này so ra khá ‘tầm thường’ với những câu chuyện kia, nhưng nếu so sánh hiện tại của họ với mức khởi đầu, tôi cho rằng câu chuyện thành công của họ đáng được để ý không kém.
Vì vậy, tôi nghĩ các em hãy ngừng đọc những câu chuyện của người khác mà hãy bắt đầu viết câu chuyện của bản thân mình, từng chương từng chương một.
2. Ảo tưởng về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam
Quả thật là Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đầu tư nước ngoài ào ạt vào rất nhiều. Quả thật là nhu cầu lao động tại Việt Nam luôn cao, nhân tài luôn được cần trong những năm gần đây và sắp tới. Nhưng điều này không xảy ra mãi mãi, chưa nói rằng nó có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
Hãy đọc bản báo cáo của Ngân hàng thế giới 2014 về thị trường nhân lực Việt Nam để giựt mình nhìn lại mình. Nếu chúng ta không đáp ứng được thị trường đầu tư nước ngoài về vấn đề nhân lực, họ sẽ không ở đây lâu đâu. Chúng ta không phải là quốc gia duy nhất có đủ điều kiện phù hợp với nhu cầu nhân công rẻ của họ.
Nếu họ vẫn ở, hãy nhìn vào những hiệp nghị mà chính phủ Việt Nam liên tục ký gần đây, từ TPP đến Asean, thì sẽ hiểu người lao động Việt sẽ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Câu hỏi là, chúng ta có cạnh tranh nổi không nếu không chuẩn bị từ bây giờ?
Còn nữa, các nước nơi sinh viên Việt Nam du học đang dần siết chặt luật lao động của họ. Anh Quốc đã thôi không cho sinh viên tốt nghiệp cử nhân ở lại làm, mà bắt họ phải quay về nước ngay sau khi tốt nghiệp. Những nước khác cũng sẽ từ từ theo sau. Điều này có nghĩa là gì: sinh viên du học nước ngoài sẽ quay về cạnh tranh trên thị trường lao động nội địa. Vậy thì nếu em đang là sinh viên trong nước, em nên thực sự bắt đầu tự hỏi, “tôi phải làm gì để chuẩn bị khi ra trường có đủ sức cạnh tranh tìm được một việc làm tốt cho bản thân?”
3. Gia đình
Tôi vẫn thường tự hỏi vì sao cha mẹ Việt Nam luôn khó những thứ không cần thiết và dễ những thứ không nên dễ. Ví dụ, họ thật khó khăn trong việc không cho con đi chơi, đi làm thêm, đi gặp bạn bè, tham gia hoạt động ngoại khoá. Họ chỉ muốn con họ ở nhà, ngay dưới ánh mắt của họ, hay ngồi trong lớp học thêm, cho họ yên tâm. Ngược lại, họ thật dễ dàng trong việc không bắt con làm việc nhà, không bắt con chịu trách nhiệm cho những quyết định đơn giản hàng ngày, cho con mua những vật dụng khá đắt tiền. Họ la mắng làm con xấu hổ, nhưng ít khi phạt bằng hành động thực tế.
Tôi nghĩ, thay vì ‘quản’ con và ‘chỉ’ cho con nên làm gì từng bước, từng bước. Cha mẹ hãy tập cho con biết tự xác định mục tiêu, biết ra quyết định dựa trên những gì trong tầm với của mình, biết chịu trách nhiệm với quyết định mình, biết giải quyết vấn đề của riêng mình. Đừng làm giùm con, quyết định giùm con, hay sống giùm con nữa nếu không muốn nó mãi mãi không trưởng thành.
Nói thật, tôi luôn thấy chướng mắt khi thấy cha mẹ dẫn con đi nộp đơn vào trường đại học, viết đơn cho con, hỏi câu hỏi giùm con, liên lạc thầy cô thay con. Có lẽ 10 năm trước, khi con 8 tuổi, cha mẹ nên từ từ cho con tự làm những thứ nho nhỏ, thì 10 năm sau, khi con 18 tuổi, cha mẹ chỉ cần lắng nghe thông tin từ con, nghe con báo cáo, hỏi con lý do vì sao, rồi hỗ trợ tài chính với những giới hạn mà cả hai điều hiểu. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều.
Kết
Ôi, tôi viết note này trong hai nỗi sợ, ‘Sợ mình bị ném đá’ và ‘Sợ mình không được các em thương nữa.’ Nhưng tôi xin đính chính, tôi không ngừng yêu quý các em. Tôi chỉ muốn các em thực tế hơn, cố gắng hơn, bớt ảo tưởng hơn, có trách nhiệm hơn, và thôi đừng ngây thơ dựa dẫm vào người khác nữa khi đã 18 tuổi rồi.
Các em ơi, hãy bước vào đời với chân cứng đá mềm, hãy bắt đầu sống và viết câu chuyện của mình đi nhé.
Ngày 18 tháng 2, 2016
Sài Gòn, Việt Nam.
Chân dung cô giáo Hoàng Hồ Phụng.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Hoàng cho biết lý do của bài viết này là vì thời gian gần đây cảm thấy lo lắng về các bạn SV khi báo chí nói nhiều đến 9x thành công nhưng không nói đến câu chuyện đằng sau sự thành công ấy. “Cô rất lo vì điều này đang làm các bạn trẻ nghĩ rằng thành công là chuyện rất dễ dàng. Cha mẹ của các bạn trẻ thế hệ hiện tại cũng bao bọc con mình quá, điều đó sẽ làm cho các em khi ra đời dễ bị hụt hẫng, thấy cuộc đời không còn màu hồng, dễ bị sốc và muốn bỏ cuộc dễ dàng.
Hai yếu điểm mà giới trẻ hiện nay thiếu mà cô thấy được đó là khả năng quyết định và khả năng chịu trách nhiệm khi gặp khó khăn. Giới trẻ cũng như gia đình không hiểu sâu và rõ ràng về tình hình kinh tế Việt Nam, mình đang đi trên sợi dây xiếc, không cẩn thận thì té lúc nào không hay. Mình sẽ phải cạnh tranh rất dữ dội trong tuyển dụng, do đó nếu không chuẩn bị sớm thì đến lúc đó sẽ không tồn tại nổi.
Đây đều là quan sát của cô, chưa có nghiên cứu số liệu, nhưng nếu làm trong ngành, chịu khó đọc những nguồn đáng tin (như World Bank, Nhip Cau Dau Tu, …), gặp gỡ doanh nghiệp, nhìn phát triển kinh tế trong vùng, mình sẽ thấy được. Vì vậy cô mới nói “hù” vì ở hiện tại mình không thực tế thì nguy”.